Văn hoá học: Học đi đôi với hành

bởi quản trị viên | Date: 25-12-2022


Vì cuộc đời là những chuyến đi! Nó đem lại nhiều bài học quý báu và trải nghiệm thú vị, in vào sâu tâm trí của mỗi người chúng ta. Và chuyến đi thực tế tại quận Ô Môn, TP. Cần Thơ đã đem lại cho nhóm chúng tôi – những sinh viên lớp ĐH.VHH14, khoa Văn hóa học, trường Đại học Văn hóa TP. HCM nhiều trải nghiệm bổ ích và lý thú.

Đó là những ngày cuối tháng 11 năm 2022, sự háo hức mong chờ đã dâng lên trong lòng chúng tôi. Hành trình chuyển bánh từ thành phố Hồ Chí Minh đã đưa chúng tôi đến một vùng đất tuyệt vời của những người con miền sông nước, chất phác, thật thà và rất đỗi giản dị. Một chuyến đi không chỉ đơn thuần là trải nghiệm thực tế mà còn để áp dụng phương pháp “học đi đôi với hành”, gắn liền giảng dạy lí thuyết với trải nghiệm thực tế thuộc học phần Điền dã dân tộc học và Tổ chức phát triển cộng đồng. Đây là chuyến đi xa đầu tiên của tôi. Ngày khởi hành, tôi không khỏi bỡ ngỡ và có chút hoang mang, rất nhiều câu hỏi tôi tự đặt ra cho bản thân: Liệu mình có làm được không? Các cô chú có hợp tác và giúp đỡ hay sẽ ngó lơ mình? Mang theo tâm trạng đó, tôi và các bạn đã bắt đầu chuyến đi thực tế xuống Cần Thơ để thu thập thông tin về làng nghề đan lọp, đan lú  phục vụ cho môn học này.

Cần Thơ đón chúng tôi vào một ngày nắng, cái nắng ở đây không chói chang như ở Sài Gòn, mà nhẹ dịu và ấm áp, có lẽ do chúng tôi đi vào cuối năm, tiết trời đã bắt đầu se lạnh. Trong suốt chuyến đi, nhóm chúng tôi đã gặp các cô chú, các bác, những con người thân thiện, mến khách, đã cùng chúng tôi tạo nên những khoảnh khắc thực sự thú vị và đáng nhớ. Trong thời gian 6 ngày điền dã tại cộng đồng, chúng tôi được người dân đãi những món chè, các loại trái cây trong vườn... các món ăn gần gũi, giản dị, tạo cho tôi cảm giác quen thuộc như những người thân trong gia đình. Bên cạnh đó, các cô chú cũng đã giúp chúng tôi rất nhiều để có thể hoàn thành bài tập từ việc tạo điều kiện cho chúng tôi quan sát tham dự tại các hộ gia đình làm nghề; hỗ trợ trả lời câu hỏi phỏng vấn và thảo luận nhóm của chúng tôi. Những thông tin đó cung cấp cho chúng tôi những hiểu biết về nghề đan lọp, đan lú tại đây. Chuyến đi đầu tiên thật đáng nhớ.  Chúng tôi không thể làm gì hơn ngoài việc gửi đến cô chú lời cảm ơn sâu sắc nhất, mong cô chú luôn có sức khỏe và gặp được nhiều may mắn trong cuộc sống.

 

 

Chúng em cũng không quên gửi lời cảm ơn đến giảng viên bộ môn, cô Cao Nguyễn Ngọc Anh, cô đã truyền đạt cho lớp chúng em những kiến thức vô cùng quý giá, và tạo điều kiện cho lớp có cơ hội được đi trải nghiệm thực tế, áp dụng lí thuyết đã được học một cách triệt để nhất, từ cách đặt câu hỏi phỏng vấn sao cho ngắn gọn và dễ hiểu, cho đến những phương pháp, những công cụ phức tạp. Cảm ơn cô đã trang bị cho chúng em những điều tuyệt vời!

Chuyến đi đã khép lại, nhưng có lẽ đã rất nhiều thứ mở ra trong trái tim của từng thành viên trong nhóm, trong lớp, đó là tình cô trò, tình bạn bè, những cảm xúc khó quên và đặc biệt là những kinh nghiệm thực hành của những nhà nghiên cứu tương lai.

Người viết: Nguyễn Thị Quỳnh Như - Lớp VHH14

Từ khóa:

BÀI VIẾT LIÊN QUAN