bởi quản trị viên | Date: 17-04-2025
ĐẠO DIỄN NGUYỄN HOÀNG, NHÀ VĂN TRẦM HƯƠNG GIAO LƯU, TRUYỀN CẢM HỨNG LÀM PHIM VỚI SINH VIÊN VĂN HÓA HỌC
Sáng ngày 17/4/2025, tại Hội trường G, Cơ sở 2 - Trường Đại học Văn hóa TP.HCM, Khoa Văn hóa học tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề “Làm phim ngắn và viết kịch bản truyền hình: Ứng dụng công nghiệp văn hóa trong sáng tạo điện ảnh”, thu hút hơn 200 sinh viên Văn hóa học chuyên ngành Văn hóa Việt Nam và Công nghiệp văn hóa đến tham dự.
Sự kiện hướng tới kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025), 50 năm thành lập Trường Đại học Văn hóa TP.HCM (3/1/1976 - 3/1/2026). Đồng thời, thể hiện chủ trương đào tạo nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng, năng lực tự chủ và trách nhiệm phù hợp với định hướng ứng dụng của Khoa và Nhà trường, đáp ứng nhu cầu thực tiễn xã hội trong lĩnh vực Công nghiệp văn hóa đang phát triển mạnh mẽ.
Khoa Văn hóa học vinh hạnh đón tiếp hai diễn giả uy tín, dày dặn kinh nghiệm đến tham dự chương trình: NSƯT - Đạo diễn Nguyễn Hoàng và Nhà văn - Nhà biên kịch Trầm Hương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM.
Về phía Khoa Văn hóa học, có sự hiện diện của TS. Lê Thị Hồng Quyên - Phó trưởng khoa điều hành khoa, TS. Lê Thị Thanh Tâm - Phó trưởng khoa, PGS.TS. Trần Hoài Anh - giảng viên cao cấp của Khoa, cùng tập thể giảng viên. Về phía Khoa Quản lý Văn hóa Nghệ thuật, có TS. Phạm Văn Luân.
Trong không khí thân tình, cởi mở, hai diễn giả đã chia sẻ nhiều thông tin hữu ích, “bật mí” hậu trường làm phim ngắn, phim tài liệu, phim truyền hình, đặc biệt là “truyền lửa”, truyền cảm hứng làm phim ngắn, phim tài liệu, phim truyền hình đối với sinh viên Khoa Văn hóa học.
NSƯT - Đạo diễn Nguyễn Hoàng có hơn 40 năm kinh nghiệm trong vai trò Trưởng phòng Phim Tài liệu TFS - HTV. Ông cùng đồng nghiệp đã thực hiện loạt tác phẩm phim tài liệu để đời như “Cánh chim không mỏi”, “Từ trái tim đến trái tim”, “Mê Kông ký sự”...
Mở đầu buổi nói chuyện bằng câu nói tâm đắc: “Một quốc gia không có phim tài liệu giống như một gia đình không có album ảnh”, NSƯT - Đạo diễn Nguyễn Hoàng nói về tầm quan trọng, ý nghĩa của phim tài liệu, phân biệt thể loại này với tin tức, phim truyện. Sau đó, sinh viên được xem hai phim ngắn chạm đến cảm xúc do chính NSƯT Nguyễn Hoàng biên kịch và đạo diễn: “Đứa con người lính Mỹ”, nói về hành trình trở lại Hố Bò - Củ Chi của James, con trai một người lính trong Quân đội Hoa Kỳ đã tử trận tại đây; và “Việt Nam - Đất nước tôi”, nói về người thanh niên - sinh viên Việt Nam yêu nước Nguyễn Thái Bình.
Nhà văn - Biên kịch Trầm Hương hiện là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM khóa VIII. Bà là tác giả của nhiều tiểu thuyết, truyện ký giàu cảm xúc, biên kịch các bộ phim kinh điển như “Người đẹp Tây Đô”, “Lời thề”, “Biệt ly trắng”...
Dẫn dắt người nghe vào câu chuyện nghề nghiệp lý thú, Nhà văn Trầm Hương chia sẻ kỷ niệm thời sinh viên: chính bà cũng được truyền cảm hứng trong một buổi giao lưu với “Ông già Nam Bộ” Sơn Nam những ngày trên giảng đường.
“Tình yêu văn hóa, trái tim đa cảm dẫn dắt tôi đi vào “nghề văn”, cùng với đó là niềm đam mê”, Nhà văn Trầm Hương nói về động lực quan trọng trên bước đường đến với văn chương, rồi trở thành nhà biên kịch, và nhiều vai trò khác nữa đều gắn bó với chữ nghĩa.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa - văn học, Nhà văn Trầm Hương bày tỏ sự ủng hộ với định hướng đào tạo chuyên ngành Công nghiệp văn hóa của Khoa Văn hóa học trong bối cảnh hiện nay. Bà tin tưởng các bạn sinh viên trẻ, thế hệ Gen Z sẽ tiếp nối giữ gìn, phát huy văn hóa dân tộc trong kỷ nguyên mới.
Tại sự kiện, PGS.TS. Trần Hoài Anh - Ủy viên Hội đồng Lý luận Phê bình Hội Nhà văn Việt Nam, đã có những phân tích, nhận định sâu sắc về góc nhìn văn hóa được thể hiện sinh động, tinh tế trong các phim ngắn của NSƯT - Đạo diễn Nguyễn Hoàng, và chính điều đó đã góp phần làm tăng thêm giá trị cho các tác phẩm sáng tạo nghệ thuật của ông.
Theo PGS.TS. Trần Hoài Anh, các bạn sinh viên ngày nay có may mắn khi được theo học ngành Văn hóa học, vốn trước đây không có. Với định hướng Văn hóa học ứng dụng của Khoa Văn hóa học, chương trình đào tạo sẽ cung cấp “cái nền” vững chắc, để từ đó sinh viên có thể thiết thực vận dụng vốn kiến thức, sự hiểu biết về văn hóa dân tộc vào nhiều lĩnh vực, trong hành trang nghề nghiệp tương lai. PGS.TS. Trần Hoài Anh mong rằng các bạn sinh viên sẽ nỗ lực học tập, trau dồi, xứng đáng tự hào là sinh viên Khoa Văn hóa học - Trường Đại học Văn hóa TP.HCM.
Liên tục chương trình là phần trao đổi sôi nổi giữa các bạn sinh viên Văn hóa học với hai diễn giả. Trước những câu hỏi thú vị sinh viên đặt ra, Đạo diễn Nguyễn Hoàng và Nhà văn Trầm Hương đã giải đáp thắc mắc, làm rõ thêm về chủ đề buổi talkshow.
Kết thúc sự kiện, TS. Lê Thị Hồng Quyên khẳng định ý nghĩa khoa học và ý nghĩa thực tiễn của buổi nói chuyện chuyên đề mang tính chất học thuật này mà Khoa đã tổ chức, qua đó tạo thêm động lực, hứng khởi để sinh viên tiếp cận thực tiễn, hiểu hơn về ngành học.
Thay mặt Khoa Văn hóa học, TS. Lê Thị Hồng Quyên và TS. Lê Thị Thanh Tâm trân trọng cảm ơn sự hiện diện quý báu của hai diễn giả, gửi tặng món quà lưu niệm thay lời tri ân.
Đáp lại, nhân dịp này, NSƯT - Đạo diễn Nguyễn Hoàng trao tặng 20 bộ phim tài liệu cho Khoa và Nhà trường làm tư liệu học tập, nghiên cứu. Nhà văn - Nhà biên kịch Trầm Hương gửi tặng hai đầu sách quý, là tập thơ “Em kiêu hãnh vì được làm đàn bà” (của Trầm Hương) và tập truyện ký - hồi ký “Gãy cánh điệp viên” (của cựu quân báo Hồ Duy Hùng, Trầm Hương biên tập).
TS. Lê Thị Hồng Quyên bày tỏ hy vọng trong thời gian tới, NSƯT - Đạo diễn Nguyễn Hoàng và Nhà văn - Nhà biên kịch Trầm Hương sẽ đồng hành trong các hoạt động khác của Khoa, hỗ trợ, tạo điều kiện học hỏi cho các bạn sinh viên Văn hóa học - Trường Đại học Văn hóa TP.HCM.
- BBT Website VHH -