bởi quản trị viên | Date: 30-12-2024
SINH VIÊN VĂN HÓA HỌC THAM DỰ LỄ CÔNG BỐ CÂY DI SẢN VIỆT NAM TẠI THẢO CẦM VIÊN SÀI GÒN
Sáng ngày 29 tháng 12 năm 2024, TS. Phạm Văn Luân, ThS. Vũ Nhật Tân cùng các bạn sinh viên Khoa Văn hóa học - Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh đã có mặt tại Thảo Cầm Viên Sài Gòn dự “Lễ công nhận Cây Di sản Việt Nam”.
Thảo Cầm Viên Sài Gòn với 160 năm hình thành và phát triển (1864-2024), là nơi chăm sóc và bảo tồn hơn 2.400 cây xanh với nhiều cây cổ thụ có tuổi thọ hơn 100 năm. Trong buổi lễ này, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cùng với Hội đồng Cây Di sản Việt Nam đã quyết định công nhận 8 cây cổ thụ nằm trong khuôn viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn trở thành Cây Di sản Việt Nam. Đây là những loài cây quý, có tuổi đời lên đến hàng trăm năm và có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa. Trong đó:
+ Cây Giáng hương (với mã số 1302) tại đây có tuổi đời hơn 200 năm. Đây là loài cây đang nằm trong sách đỏ Việt Nam khi được xếp vào cấp độ nguy cấp. Giáng hương được khai thác để làm các đồ dùng cao cấp, đồ mỹ nghệ hoặc vỏ cây có thể dùng nhuộm quần áo.
+ Cây Tung (với mã số 1188) có tuổi đời khoảng 200 năm. Loài cây này được khai thác, sử dụng trong xây dựng và đóng đồng dùng gia đình.
+ 6 cây Xà cừ: mã số 1700 hơn 160 năm tuổi; 652 hơn 150 năm tuổi; 63,65,66,67 hơn 120 năm tuổi. Loài cây này được dùng để đóng thuyền, làm đồ gỗ, ngoài ra lá được dùng làm thuốc chữa ghẻ, sốt.
Buổi lễ diễn ra không chỉ nhằm công nhận Cây Di sản Việt Nam tại Thảo Cầm Viên mà qua đó, nhằm tuyên truyền trong việc bảo vệ nguồn gen thực vật, nâng cao ý thức tôn trọng thiên nhiên và trách nhiệm bảo vệ môi trường đối với toàn thể cộng đồng.
Bài: Hải Vân - VHVN15
Ảnh: Chu Nguyệt Sương - CNVH 4.2
- BBT Website VHH -