bởi quản trị viên | Date: 28-06-2020
Xin chào các bạn! Tôi là sinh viên năm thứ hai của khoa Văn hoá học, chuyên ngành Văn hoá Việt Nam. Từ năm học này, chúng tôi bắt đầu tiếp cận với các học phần thuộc khối kiến thức ngành, cơ sở ngành- những môn học trang bị cho chúng tôi những kiến thức nền tảng về văn hóa nói chung và văn hóa Việt Nam nói riêng. Trong đó, học phần “Ký hiệu học văn hóa” đã mang đến cho chúng tôi những điều thú vị và bổ ích.
Chúng tôi bắt đầu môn học này với rất nhiều câu hỏi và sự hoài nghi: Môn học này học về cái gì? Tại sao chúng ta cần phải học nó? Liệu môn học có gì thú vị hay không?... Và còn rất nhiều câu hỏi khác liên quan đến môn học.
Buổi học đầu tiên, chúng tôi được tìm hiểu về khái niệm, đặc trưng, cấu trúc, chức năng của ký hiệu. Thường khi nhắc đến khái niệm, chúng ta thường nghĩ ngay đến sự khô khan, hàn lâm mà sinh viên chúng tôi vẫn thường gọi là “khó nhằn”. Tuy nhiên, với sự dẫn dắt của giảng viên, chúng tôi nhanh chóng nắm bắt được những kiến thức cơ bản nhất. Kí hiệu được hiểu đơn giản là một vật thay thế cho một sự vật, hiện tượng, khái niệm nhằm trao đổi thông tin ở một tập thể. Kí hiệu có đặc trưng riêng của nó: đặc trưng thứ nhất, kí hiệu mang thuộc tính vật chất; đặc trưng thứ hai, kí hiệu đại diện một cái khác không phải chính nó; đặc trưng thứ ba, kí hiệu mang tính quy ước và thuộc về một hệ thống. Qua bài giảng, chúng tôi nhận ra rằng, thật ra ký hiệu hiện hữu trong cuộc sống của chúng ta rất nhiều, chỉ là đôi khi mình không nhận ra nó mà thôi, bởi kí hiệu tồn tại dưới nhiều dạng thức khác nhau. Có thể là các kí hiệu riêng lẻ, có thể là tổ hợp kí hiệu hoặc hệ thống kí hiệu; có thể là ký hiệu ngôn ngữ, cũng có thể là ký hiệu phi ngôn ngữ.
Buổi học thứ hai chúng tôi được học về mã và mã văn hóa.
Bất kỳ ký hiệu nào cũng đều có mã riêng của nó. Việc giải mã các ký hiệu văn hóa là điều vô cùng quan trọng. Vậy mã văn hóa là gì?- Đó là những mã vừa mang đặc trưng của mã vừa mang đặc trưng của văn hoá, là những tín hiệu, ký hiệu có tính thẩm mỹ, tính đại diện biểu hiện đặc điểm giá trị văn hoá của một cộng đồng. Mã văn hoá là kết tinh của các giá trị văn hoá, là phần nổi trội nhất, cơ bản nhất, có tính ổn định tương đối của cộng đồng. Nó biểu hiện ra ngoài bằng tín hiệu văn hoá, biểu tượng văn hoá, chìm sâu bên trong là vô vàn lớp nghĩa cần được giải mã trong hành trình tìm hiểu, nghiên cứu về con người và cộng đồng.
Cứ như vậy chúng tôi đi qua từng buổi học sôi nổi và hào hứng, dưới sự dẫn dắt, truyền lửa của giảng viên. Điều làm chúng tôi thích thú là không khí cởi mở của các buổi lên lớp. Giảng viên luôn đặt ra câu hỏi để tương tác với sinh viên. Lớp chúng tôi khá trầm, nhưng từ khi được sự giảng dạy của cô, chúng tôi dần trở nên sôi nổi hơn. Riêng với cá nhân tôi, tôi cảm thấy mình ít nhiều có sự thay đổi. Thay vì nhút nhát sợ sệt, nói điều gì cũng sợ sai, được sự động viên của cô, tôi đã mạnh dạn trình bày quan điểm cá nhân của mình. Tôi nhận thấy cô luôn tìm ra những cách truyền đạt mới giúp sinh viên hình dung rõ hơn về nội dung bài giảng và luôn giải mã chúng một cách rõ ràng, cụ thể. Đó là gì, sự vật đó như thế nào, nó biểu thị cho cái gì và vì sao nó tồn tại. Ngoài ra, giảng viên còn liên hệ với thực tiễn để sinh viên có thêm nhiều kiến thức đa dạng hơn, không chỉ trong học tập mà còn có thể áp dụng trong cuộc sống.
Trong các buổi học ấy, tôi ấn tượng nhất là phương pháp vẽ hình và giải mã.
Chúng tôi được giao bài tập theo nhóm, mỗi nhóm vẽ một chủ đề về ẩm thực, phong tục tập quán, lễ hội, tác phẩm điện ảnh... vào giấy và thuyết trình, giải mã các kí hiệu trên bức vẽ. Với bài tập này, ban đầu chúng tôi gặp chút khó khăn, tuy nhiên, đó cũng là dịp để các thành viên trong nhóm đoàn kết với nhau hơn, thể hiện kỹ năng làm việc nhóm. Nhóm chúng tôi tranh luận khá sôi nổi để chọn ra những ký hiệu mà mỗi người cho là “đắt” nhất. Cuối cùng, bức vẽ được hoàn thành với khá nhiều nét vẽ sáng tạo và tuỳ hứng. Phần giải mã bức tranh cũng mang lại nhiều bất ngờ, lý thú. Các nhóm lần lượt phân tích, thuyết trình giải mã các ký hiệu của nhóm mình, mang lại cho lớp nhiều cung bậc cảm xúc. Sau đó, các nhóm phân tích, đánh giá, nhận xét lẫn nhau. Đây cũng là dịp để sinh viên rèn luyện kĩ năng trình bày, giao tiếp trước đám đông. Phương pháp học tập này đã nhận được hiệu ứng tích cực từ phía lớp, khiến cho buổi học như một chuyến hành trình thú vị.
Với riêng tôi, tôi cảm nhận phương pháp học theo kiểu vẽ tranh và giải mã kí hiệu đã góp phần giúp tôi rèn luyện tư duy logic cho mình, bởi ký hiệu luôn nằm trong hệ thống thông qua một mối liên kết nào đó. Nó cũng giúp tôi khả năng suy luận và lập luận tốt hơn. Vì khi bạn đã có khả năng suy luận từ trong mô thức tư duy thì việc linh hoạt ngôn ngữ là điều tất yếu. Và từ đó giúp chúng ta có nhiều cách ứng xử khác nhau trong đời sống, tạo ra nhiều cảm hứng, cơ hội trong học tập, trong công việc, góp phần hoàn thiện bản thân mình.
Chúng tôi đã học “Ký hiệu học văn hóa” theo cách như vậy.
Bài: Kiều Thanh
Ảnh: Sv lớp VHH 12