Từ giảng đường đến thực tế: Nhật ký thực tập tại Trung tâm Văn hóa TP.HCM

bởi quản trị viên | Date: 20-06-2024


Đích đến của mỗi chặng đường không phải là điều cuối cùng trong hành trình của con người, mà nó là dấu mốc để mở ra những chặng đường cao cả hơn. Vậy là quãng đường 4 năm của đời sinh viên gần đến đích, kỳ thực tập cuối khóa đã bước vào những tháng ngày gần kết thúc. Tạm khép lại hành trình mỗi ngày đến giảng đường, Trung tâm Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, đơn vị sự nghiệp của Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh là nơi tôi quyết định gắn bó cho điểm kết thời đại học của mình. 
Những ngày đầu thực tập là những chuỗi cảm xúc liên hoàn đan xen, vừa háo hức vừa lo lắng. Từ việc làm quen với môi trường làm việc mới đến nắm bắt các quy trình và nhiệm vụ được giao, mọi thứ dường như trở nên đầy thử thách và mới mẻ. 
Xuất thân là một sinh viên thuộc chuyên ngành Văn hóa Việt Nam, Khoa Văn hóa học, các môn học của tôi thường xoay quanh công tác nghiên cứu văn hóa, tuy nhiên các công việc tại Trung tâm Văn hóa lại thường mang hơi hướng về quản lý các hoạt động văn hóa, vì vậy tôi khá khó khăn trong việc thích ứng các công việc lúc ban đầu. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm của Ban Giám đốc, sự giúp đỡ tận tình của các anh chị Trưởng phòng và chuyên viên, thêm vào đó là sự hiểu biết các kiến thức về văn hóa làm nền móng, tôi dần vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu và cảm thấy dần thích nghi với công việc của mình. 
 
 
Dẫn chương trình khai giảng lớp Thanh nhạc cơ bản tại cụm 01, Trung tâm Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Kiều Ngân.
 
Mỗi khoảng thời gian trôi qua tại Trung tâm đều là mỗi trang nhật ký đầy màu sắc mới. Tại đây, tôi được tham gia tổ chức các lớp học bồi dưỡng, đọc các kiến thức về văn hóa nghệ thuật cũng như tham dự các chương trình văn hóa. Tất cả đã giúp tôi nhận thấy càng rõ ràng niềm yêu thích và trách nhiệm của mình đối với bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc thông qua các hoạt động sinh hoạt  văn hóa. 
Điều quý giá nhất mà tôi nhận được không chỉ là những bài học kinh nghiệm trong quá trình thực tập mà còn là tình cảm chân thành từ các anh chị tại cơ quan, bên cạnh đó còn là tinh thần nhiệt huyết, cống hiến hết mình với văn hóa nghệ thuật và cộng đồng từ những người tôi đã gặp gỡ trong suốt quá trình thực tập tại Trung tâm Văn hóa. 
 
 
Cùng khối Văn hóa nhân dịp tham gia Ngày Thể thao Việt Nam 27/3 và Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2024, ngày 24/3/2024 tại đường Lê Duẩn, Quận 1. Ảnh: Linh Nga.
 
Nhìn lại quãng đường đã qua, bốn năm học tập và tôi rèn tại mái trường Đại học Văn hóa, tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì những điều mình đã được trải nghiệm. Kỳ thực tập này không chỉ là mốc đánh dấu một sự giao chuyển của quãng đời sinh viên mà còn là sự khởi đầu cho những chặng đường mới đầy thử thách và cơ hội phía trước. Với tình yêu văn hóa và sứ mệnh của người học Văn hóa, qua những kiến thức và kinh nghiệm nhỏ bé của mình, tin rằng mình sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa, đóng góp nhiều hơn cho lĩnh vực văn hóa, mang nhiều giá trị tích cực hơn cho cộng đồng thông qua văn hóa.
 
 
Hoàn thành bế giảng lớp Thanh nhạc cơ bản năm 2024. Ảnh: Công Sơn.
 
Tôi hiện tại vẫn là một cô sinh viên trẻ, vẫn chông chênh vì những định hướng không quá rõ ràng của mình. Thế nhưng tôi luôn tin rằng, bằng sự chăm chỉ, tình yêu, nền tảng và niềm tin vào bản thân, Văn hóa vẫn là một sự lựa chọn đúng đắn nhất trong cuộc đời tôi, là ánh sáng mãi mãi le lói trong tâm khảm của chính bản thân mình. 
Với tôi, đây không chỉ là hành trình học tập và nghề nghiệp, mà nó còn là hành trình thăng trầm với cảm xúc, nơi tôi nhìn thấy được chính mình. Khoa Văn hóa học, Trường Đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh - có lẽ đã trở thành một phần không thể thiếu trong câu chuyện tuổi trẻ của tôi, nơi mà mỗi bước đi đều chất chứa niềm đam mê và hy vọng.  
 
Phan Bảo Ngọc - Văn hóa học 14

Từ khóa: