"Chiến khu Rừng Sác - Căn cứ nổi chống Mỹ oai hùng" - Chương trình thực tế môn học của sinh viên lớp ĐH Văn hoá học 15

bởi quản trị viên | Date: 19-10-2022


Ngày 16/10/2022 vừa qua, lớp Đại học Văn hóa học 15 đã tổ chức thành công chương trình về nguồn “Chiến khu Rừng Sác- căn cứ nổi chống Mỹ oai hùng”. Đây cũng là một phần của kế hoạch thực tế học phần “Quản lý Nhà nước về văn hoá” trong chương trình đào tạo ngành Văn hoá học.

Di tích lịch sử cấp quốc gia Chiến khu Rừng Sác - Cần Giờ đã được nhiều người biết đến qua những chiến tích đầy hiển hách và tự hào của Trung đoàn 10 - Đội Đặc công Rừng Sác. Một số hiện vật như vũ khí tự chế của của các chiến sĩ trong chiến tranh, những lán nhỏ nơi tổ chức các buổi họp bàn kế sách đánh địch đều được tái hiện lại một cách sinh động giúp các bạn sinh viên dễ dàng tiếp cận tìm hiểu. Khi tham quan tại đây, tập thể sinh viên VHH15 đã dâng hương niệm các anh hùng liệt sỹ đặc công Rừng Sác.

Các bạn đã được nghe thuyết minh về những ngày oai hùng của quân dân ta năm xưa khi phải oằn mình bám trụ vùng “rừng thiêng, nước độc” để chiến đấu với quân thù. Không chỉ chống chọi với quân Mỹ mà bộ đội ta lúc bấy giờ còn phải đương đầu với những con cá sấu hung hãn của rừng già. Trong số những chiến sỹ đã ngã xuống hiện nay vẫn còn hơn 500 liệt sỹ vẫn chưa tìm được hài cốt. Những chiến công, sự hy sinh xương máu của các anh sẽ mãi được khắc ghi.

Bên cạnh những bài học lịch sử, các bạn sinh viên còn được học những bài học thực tế bổ ích như phương phức lọc lấy nước ngọt từ nước mặn, cách dựng mô hình hứng nước mưa hay cách gội đầu bằng bùn non và giặt quần áo bằng quả bồ hòn như các chiến sỹ ngày xưa.

Sau khi tham quan chiến khu Rừng Sác, lớp ĐH. VHH15 tiếp tục hành trình tham quan Lăng ông Thủy tướng tại đường Duyên Hải, Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, nơi diễn ra lễ hội Nghinh Ông vào ngày 18/8 hằng năm, để tìm hiểu về tín ngưỡng thờ cá Ông-một nét văn hoá đặc sắc của cư dân vùng ven biển. Tại đây các bạn sinh viên được chiêm ngưỡng bộ xương cá Ông dài 12m được bảo quản cẩn thận trong tủ kính, trong lăng còn trưng bày các dụng cụ truyền thống của người dân vùng chài lưới. Ngoài Thần Nam Hải (Cá Ông), Lăng Ông Thủy Tướng còn thờ các vị thần biển khác như Hà Bá, Thủy Quang, Ngọc Lan để cầu một năm đánh bắt bội thu, mưa thuận gió hòa và bình an cho ngư dân.

 

Chuyến tham quan thực tế đã giúp sinh viên lớp ĐH.VHH15 hiểu rõ hơn về lịch sử văn hóa dân tộc, nét sinh hoạt văn hóa đặc trưng của cư dân vùng ven biển nói chung và Cần Giờ nói riêng, qua đó kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, góp phần xây dựng định hướng ứng dụng trong chương trình đào tạo ngành Văn hoá học.

 

Bài viết: Nguyễn Yến Ngọc – Lớp ĐH.VHH15

Hình ảnh: Nguyễn Thị Kim Ngân – Lớp ĐH.VHH15

 

Từ khóa: