Cao học Văn hóa học K07 khảo sát thực tế văn hóa cộng đồng tại Ninh Thuận

bởi quản trị viên | Date: 25-12-2024


LỚP CAO HỌC VĂN HÓA HỌC 07 VỚI HỌC PHẦN KHẢO SÁT THỰC TẾ VĂN HÓA CỘNG ĐỒNG TẠI NINH THUẬN

Với mục tiêu vận dụng lý thuyết vào thực tế trong nghiên cứu văn hóa và hiểu sâu về văn hóa dân tộc, từ ngày 17/12 đến ngày 22/12/2024, lớp Cao học Văn hóa học 07 - Khoa Văn hóa học, Trường Đại học Văn hóa TP.HCM đã có chuyến đi đầy ý nghĩa đến Ninh Thuận, dưới sự hướng dẫn nhiệt tình của TS. Nguyễn Đệ và TS. Trần Thanh Tuấn - hai giảng viên hướng dẫn học phần Khảo sát thực tế văn hóa cộng đồng.

 

 

 

Các học viên đã tham gia vào nhiều hoạt động khảo sát, từ thăm các làng nghề truyền thống, các điểm di tích lịch sử, bảo tàng đến việc nghiên cứu các hoạt động văn hóa độc đáo của vùng đất Ninh Thuận. Mỗi trải nghiệm không chỉ giúp học viên hiểu thêm về giá trị văn hóa đặc trưng mà còn góp phần nâng cao kỹ năng quan sát, phân tích, tổng hợp trong nghiên cứu thực tế hoạt động văn hóa.

Học viên cao học Văn hóa học được khám phá văn hóa Chăm, tìm hiểu về các công trình kiến trúc Chăm độc đáo như: Tháp Pô Klông Garai - di tích Quốc gia đặc biệt, Tháp Po Ro Me gắn với nền văn hóa đặc sắc của đồng bào người Chăm tại Ninh Thuận. 

Khảo sát các làng nghề, giao lưu, quan sát tham dự và phỏng vấn công việc của các nghệ nhân tại Làng gốm Bàu Trúc, Làng dệt Mỹ Nghiệp để tìm hiểu về nghề thủ công truyền thống cũng như lịch sử, văn hóa của vùng đất này. Và, thông qua đó học viên được tìm hiểu, trải nghiệm thực tế; đồng thời tạo cơ hội để hiểu biết thêm về đời sống vật chất, tinh thần cũng như những giá trị văn hóa đặc sắc của người địa phương.

 

Gặp gỡ và trao đổi với các nghệ nhân, người dân địa phương, có cơ hội trực tiếp giao lưu, học hỏi những kiến thức về nghề thủ công truyền thống, cũng như những giá trị văn hoá đặc trưng từ người dân nơi đây.

Thực hiện phỏng vấn sâu, khảo sát. Toàn thể học viên đã tiến hành phỏng vấn, thu thập thông tin từ các nguồn tài liệu thành văn viết về địa phương và chính từ người dân bản địa để mở rộng thêm kiến thức, tìm hiểu cũng như có định hướng để nghiên cứu, giải mã những biểu tượng, những thay đổi... trong đời sống văn hoá của người bản địa qua thời gian. 

 

TS. Nguyễn Đệ chia sẻ: "Chuyến đi không chỉ là cơ hội để các học viên củng cố lý thuyết mà còn là cơ hội quý báu để các bạn hiểu và cảm nhận sâu sắc hơn về đời sống văn hóa dân tộc". TS. Trần Thanh Tuấn nhấn mạnh: "Khảo sát thực tế giúp học viên có cái nhìn trực quan hơn giữa lý thuyết và thực tế trong nghiên cứu văn hóa".

Chuyến đi đã mang đến cho các học viên cao học Văn hóa học những trải nghiệm thực tế vô cùng giá trị, không chỉ tích lũy được kiến thức bổ ích mà còn thắt chặt tình đoàn kết, cùng nhau chia sẻ những khoảnh khắc đáng nhớ trong hành trình khám phá văn hóa.

 

Chuyến đi tại Ninh Thuận là một phần quan trọng trong quá trình học tập và nghiên cứu của lớp Cao học Văn hóa học 07. Mỗi học viên đều có thể tự hào khi được đóng góp vào việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc. 

Bài: Tống Thị Thủy NgânHọc viên Cao học Văn hóa học 07

- BBT Website VHH -

Từ khóa: