Khoa Văn hoá học - Mười lăm năm một chặng đường

bởi quản trị viên | Date: 26-05-2021

Vấn đề giáo dục đào tạo trong xu thế toàn cầu hoá là một thử thách không nhỏ đối với các trường đại học ở Việt Nam. Nhân dịp 15 năm thành lập Khoa, TS. Nguyễn Đệ, phụ trách Khoa Văn hoá học, Trường Đại học Văn hoá TP. Hồ Chí Minh đã có những trao đổi liên quan đến chiến lược phát triển đào tạo để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hoá, công nghiệp văn hoá. Xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc.


Ngày 25 tháng 5 năm 2006, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Tp.HCM ban hành Quyết định số 112/QĐ-ĐHVH HCM thành lập Khoa Văn hóa học. Nhân lực làm việc chỉ có 02 người – một quản lý Khoa và một giáo vụ. Sau gần một năm chuẩn bị, theo Quyết định số 674/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục & Đào tạo, ngày 05/2/2007 Khoa Văn hóa học tổ chức tuyển sinh hệ chính quy trình độ đại học khóa đầu tiên (VHH1), và hiện tại là khóa 14. 
 
Đáp ứng yêu cầu của xã hội trong bối cảnh hội nhập quốc tế - toàn cầu hóa, năm 2018 khoa Văn hóa học thực hiện cải tiến chương trình đào tạo theo định hướng ứng dụng. Hiểu ngắn gọn là “đem lí thuyết dùng vào thực tiễn”. Với định hướng này, thời lượng dành cho việc học mang tính thực tế (thảo luận, làm việc nhóm, học tại cộng đồng dân cư, đơn vị ở địa phương,…) của sinh viên trong chương trình tăng gần ngang bằng với thời lượng học lý thuyết tại giảng đường (tỷ lệ chung: 40% – 60%). Nhân lực cơ hữu thuộc Khoa phát triển cả về số lượng và chuyên môn theo yêu cầu của công tác đào tạo. Đến niên khóa 2019-2020, không kể vị trí giáo vụ thì Khoa có 10 giảng viên, gồm: 01 PGS-TS, 03 TS và 06 ThS. Cùng đội ngũ giảng viên thỉnh giảng là những chuyên gia, nhà nghiên cứu, cán bộ/chuyên viên giàu kinh nghiệm được Khoa mời từ các cơ sở đào tạo, nghiên cứu và cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực văn hóa. 
 
Ngày 08 tháng 9 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg, Phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, khẳng định: “Các ngành công nghiệp văn hóa là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Mục tiêu chung là:
Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam bao gồm: Quảng cáo; kiến trúc; phần mềm và các trò chơi giải trí; thủ công mỹ nghệ; thiết kế; điện ảnh; xuất bản; thời trang; nghệ thuật biểu diễn; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; truyền hình và phát thanh; du lịch văn hóa trở thành những ngành kinh tế dịch vụ quan trọng, phát triển rõ rệt về chất và lượng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm thông qua việc sản xuất ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa đa dạng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ, tiêu dùng văn hóa của người dân trong nước và xuất khẩu; góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; xác lập được các thương hiệu sản phẩm, dịch vụ văn hóa; ưu tiên phát triển các ngành có nhiều lợi thế, tiềm năng của Việt Nam.
 
Ở Việt Nam, Công nghiệp văn hóa là một ngành còn khá mới mẻ, nhưng không xa lạ với những nước phát triển. Trong bối cảnh “hiện đại hóa”, “toàn cầu hóa” thì Công nghiệp văn hóa có vị trí quan trọng hàng đầu, là xu hướng ở hiện tại và tương lai. Trước yêu cầu của xã hội, Ban Giám hiệu Trường Đại học Văn hóa Tp.HCM chấp thuận đề xuất của Khoa Văn hóa học đào tạo chuyên ngành Công nghiệp văn hóa (song hành chuyên ngành Văn hóa Việt Nam). Tính đến niên khóa 2019 – 2020, Khoa đã tuyển sinh chuyên ngành Công nghiệp văn hóa hệ chính quy khóa thứ 03.
Việc Khoa mở đào tạo chuyên ngành Công nghiệp văn hóa, có thể xem là bước khởi đầu cho việc chuẩn bị các điều kiện (về nhân lực, trang thiết bị, cơ sở…) cần và đủ để mở ngành đào tạo trong thời gian gần. Lâu dài là cung cấp nguồn nhân lực có trình độ, năng lực về Công nghiệp văn hóa cho xã hội, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động nội địa và nước ngoài trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế.
 
Mười lăm năm nhìn lại (2006 - 2021), Khoa Văn hóa học đã đào tạo và cung cấp cho xã hội khoảng 1.000 lao động (tính đến năm học 2019-2020). Đó là các thế hệ sinh viên đã hoàn tất chương trình đào tạo cử nhân Văn hoá học. Sau khi tốt nghiệp, với nhiều vị trí, môi trường làm việc khác nhau, những cử nhân Văn hoá học đã và đang vận dụng những kiến thức, kỹ năng chuyên sâu về Văn hóa học để hoàn thành nhiệm vụ được tổ chức phân công. Tiếp tục sự nghiệp đào tạo của Khoa, hai chuyên ngành cùng hướng đến nhiệm vụ chung là: Đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn về Văn hóa- Công nghiệp văn hóa cho cả nước và khu vực phía Nam; Bảo tồn và phát triển văn hóa - công nghiệp văn hóa Việt Nam./.
 
-BBT Khoa VHH-

Từ khóa: