Vì cuộc đời là những chuyến đi - Đi để học và đi để trải nghiệm

bởi quản trị viên | Date: 20-06-2024


Để nâng cao nhận thức và kinh nghiệm trong hoạt động chuyên môn, trong 6 ngày, từ ngày 12/6/2024 đến ngày 17/6/2024, chúng tôi, những giảng viên Khoa Văn hóa học, Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh đã có chuyến tham quan và trải nghiệm thực tế tại thành phố được mệnh danh là “xứ sở ngàn hoa” Đà Lạt. 
Hành trình chuyển bánh từ thành phố Hồ Chi Minh, sau gần 6 tiếng đồng hồ đã đưa chúng tôi đến với cao nguyên Đà Lạt. Tọa lạc ở độ cao 1500m so với mực nước biển, Đà Lạt mang đến bầu không khí ôn hòa với cái se lạnh đặc trưng của vùng cao nguyên. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi đặt chân đến thành phố này chính là khung cảnh thiên nhiên thơ mộng với những con người thân thiện. 
Nằm ở trung tâm thành phố Đà Lạt, trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, nối với đường Phan Bội Châu, cách Hồ Xuân Hương chỉ 5 phút đi bộ, chợ đêm Đà Lạt trở thành điểm đến đầu tiên trong hành trình khám phá con người và văn hóa vùng đất cao nguyên của đoàn chúng tôi. 
Chợ đêm Đà Lạt còn được người dân địa phương gọi bằng cái tên khá ma mị là chợ Âm Phủ. Sở dĩ chợ có tên gọi như vậy là vì chợ trước đây chủ yếu mở về đêm để phục vụ cho người dân địa phương ăn uống và nghỉ ngơi. Trong cái se lạnh của cao nguyên khi vào đêm, chợ Đà Lạt mang đến cảm giác mờ ảo tựa như các phiên chợ ở Âm Phủ. Sau này, chợ được khai thác để phát triển du lịch và nhanh chóng trở thành điểm đến không thể bỏ qua cho bất cứ ai khi ghé thăm xứ sở ngàn hoa.
Đến chợ đêm Đà Lạt du khách không chỉ mua sắm mà còn
cảm nhận không khi sôi nổi của thành phố Đà Lạt về đêm
 
Chợ đêm Đà Lạt không chỉ đơn thuần là một địa điểm du lịch hấp dẫn mà còn là sự phản ánh đa diện về đời sống văn hóa của người dân địa phương. Theo quan sát của chúng tôi, chợ hoạt động từ khoảng 5 giờ chiều, kéo dài đến 4 - 5 giờ sáng ngày hôm sau và từ 7 giờ tối là thời điểm nhộn nhịp nhất. Không xô bồ, ồn ào như nhiều chợ đêm khác ở Việt Nam, chợ đêm Đà Lạt phảng phất đâu đó sự mộc mạc nhưng không kém phần nhẹ nhàng và tinh tế như tính cách ôn hòa của con người cao nguyên. Phong cách sinh hoạt, giao tiếp của người dân địa phương cũng được thể hiện rõ nét qua phong cách bán hàng cũng như qua các mặt hàng “muôn hình vạn dạng” được bày bán tại chợ đêm.
 
Chợ đêm Đà Lạt - thiên đường để du khách thưởng thức món ăn ngon
và trải nghiệm văn hóa độc đáo của vùng đất cao nguyên
 
Không chỉ nổi bật với hàng trăm gian hàng quần áo, đồ lưu niệm, chợ đêm Đà Lạt còn được biết đến với tên gọi “thiên đường ẩm thực”. Một điều đặc biệt là hầu hết các loại thức ăn được bán ở chợ đêm Đà Lạt đều là những loại thức ăn nóng hổi đúng kiểu “vừa thổi vừa ăn”, trong đó có những món ăn làm nên thương hiệu cho Đà Lạt như kem bơ, sữa đậu nành nóng, trà Atiso nóng, khoai lang nướng và tất nhiên không thể bỏ qua món bánh tráng nướng pizza made in Đà Lạt nổi danh. 
Địa điểm thứ hai nhóm chúng tôi khám phá chính là “tiểu vương quốc” Mongo Land hay còn gọi là Tiểu Mông Cổ giữa lòng Đà Lạt. Sở hữu một trang viên rộng lớn, được bao bọc bởi những ngọn núi hùng vĩ và những thảm cỏ xanh mướt, Mongo Land mang đến một không gian văn hóa du mục độc đáo.
Mongo Land thuộc xã Tà Nung, cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 15km, là nơi lý tưởng để trải nghiệm cuộc sống du mục của người Mông Cổ. Nhắc đến Mông Cổ, người ta nghĩ ngay đến văn hóa du mục, với những đàn gia súc, tiếng vó ngựa và những túp lều trắng trên thảo nguyên Trung Á rộng lớn. Vì thế, từ xa xưa, người Mông Cổ đã coi quê hương mình là “Vùng đất của bầu trời xanh”.
 
Tiểu cảnh tái hiện cuộc sống của người du mục
 
Với phần lớn diện tích là thảo nguyên, đồi núi và sa mạc, văn hóa Mông Cổ mang đậm tính chất du mục. Vì thế, không lấy làm lạ khi Mongo Land xây dựng các khu tiểu cảnh tái hiện hình ảnh thảo nguyên rộng lớn, với những hồ nước trong xanh, những thảm cỏ, đàn gia súc và các lều trại, vốn được coi là tài sản quý giá nhất của cư dân du mục.
 
Những chú cừu siêu dễ thương tại Mongo Land
 
Điểm nổi bật của Mongo Land không chỉ là những tiểu cảnh tái hiện văn hóa du mục mà còn có dịch vụ cho thuê trang phục Mông Cổ để du khách có thể “check in”. Mông Cổ là một nước nông nghiệp chủ yếu chăn nuôi gia súc. Hơn nữa, sống ở khu vực có khí hậu khắc nghiệt nên trang phục của người Mông Cổ có dấu ấn rất riêng. Đối với người Mông Cổ, trang phục không chỉ có chức năng giữ ấm cơ thể mà đôi khi nó còn dấu hiện nhận diện tộc người. Đặc biệt, trang phục đội đầu của người Mông Cổ không chỉ thể hiện sự giàu có, tuổi tác mà nó còn phản ánh quyền lực và vị thế của người đội. 
Quả thực, trăm nghe không bằng một thấy. Đà Lạt mang lại trải nghiệm thực tế tuyệt vời cho đoàn chúng tôi. Dù chỉ diễn ra trong 6 ngày 5 đêm nhưng chuyến đi thực tế đã giúp chúng tôi có cơ hội kiểm hóa kiến thức lý thuyết vào thực tiễn giảng dạy. Hơn nữa, chúng tôi còn có những giây phút quây quần, hội tụ bên nhau, chụp những tấm ảnh lưu niệm lưu giữ lại những khoảnh khắc tuyệt vời về chuyến đi thực tế này.
Kiều Oanh
 
 
 

Từ khóa: