Từ Bí thư Đoàn Khoa Văn hóa học đến CEO của công ty truyền thông và tổ chức sự kiện

bởi quản trị viên | Date: 17-06-2021


Bài học nhận được từ giảng đường, sự chia sẻ của những người đồng hành, hồi ức đẹp hay thậm chí là cả những tiếc nuối… là những gì anh Đặng Ngọc Bảo, cựu sinh viên  lớp Đại học Văn hóa học 9 (khóa 2015 – 2019), chuyên ngành Văn hóa Việt Nam lựa chọn để  kể  khi nói về 4 năm sinh viên đồng hành cùng khoa Văn hóa học.

Câu chuyện phía sau sự trưởng thành và quá trình đi lên của những gương mặt bước ra từ khoa Văn hóa học luôn là đề tài khiến tôi tò mò mỗi khi bắt đầu một cuộc phỏng vấn. Bởi hơn ai hết, họ chính là những người gắn bó, đồng hành và cũng là minh chứng rõ ràng nhất để nói về thành công của ngành học. Lắng nghe chia sẻ và những giãi bày khi các lứa sinh viên lần lượt bước ra biển lớn cũng là cơ hội để giảng viên nhìn rõ và tiếp thêm ngọn lửa đam mê với nghề.

Và với sự thành công của anh Đặng Ngọc Bảo, có lẽ không hề khó để lý giải nguyên nhân đằng sau những thành tựu này, nhất là với những ai từng quan sát và theo dõi sự khó tính, chỉn chu trong từng bài học của anh chàng khi còn ngồi trên bục giảng. Vậy, khi đã có được cho mình chỗ đứng trên xã hội, anh Đặng Ngọc Bảo sẽ chọn kể về những kỷ niệm nào trong suốt 4 năm gắn bó cùng đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh?

Chào anh Bảo! Cơ duyên nào để anh lựa chọn khoa Văn hóa học trường đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học?

Khi còn nhỏ, anh cũng từng giống như các bạn có rất nhiều ước mơ, hoài bão của riêng mình nhưng chưa bao giờ anh nghĩ mình sẽ đi theo con đường như hiện tại. Đến năm mười tám tuổi, cái tuổi chưa hẳn là chững chạc nhưng đã đủ để chịu trách nhiệm cho lựa chọn của mình.

Anh tìm hiểu rất nhiều về các ngành học ở khối xã hội và cảm thấy ngành nào cũng thú vị và hấp dẫn mình cả. Băn khoăn nhất giữa báo chí, truyền thông và du lịch bởi những hào nhoáng mà anh được nhìn thấy trên báo đài, Tivi và những thế hệ anh chị đi trước.

Thế nhưng điều anh lo lắng nhiều hơn cả là sau khi tốt nghiệp, mình sẽ đi theo con đường nào, lĩnh vực nào sẽ đúng đam mê và sở thích của bản thân để mình có thể phát triển được năng lực và gắn bó với nó. Giữa những suy nghĩ mông lung đó, anh tự tìm hiểu và tình cờ biết đến ngành Văn hoá học.

Văn hoá học cho chúng ta không chỉ những kiến thức về văn hoá mà còn dạy những kỹ năng về truyền thông, báo chí và cả du lịch. Phù hợp với tính cách thích khám phá và trải nghiệm mới mẻ như anh.

Xét về ngành Văn hoá học thì trường mình luôn nằm trong top đầu cả nước về đào tạo cũng như cơ hội việc làm cao sau khi tốt nghiệp, nên đó là lý do anh đã lựa chọn và gắn bó suốt 4 năm qua với Khoa Văn hoá học - Trường Đại học Văn hoá TP.HCM..

Sau khi hoàn thành 4 năm học tập tại khoa Văn hóa học, anh cảm nhận như thế nào về môi trường học tập ở đây?

Trong 8 ngành mà trường mình đào tạo thì Văn hoá học có lẽ là ngành học đặc biệt nhất. Bởi lẽ, ngoài những kiến thức về Văn hoá như: Văn hoá Việt Nam và thế giới; Văn hoá tộc người; Văn hoá các vùng miền; Văn hoá ẩm thực; Văn hoá trang phục; … thì chúng ta còn được học thêm về nghiệp vụ du lịch; hoạt động truyền thông; marketing văn hoá; nghệ thuật biểu diễn và cả tổ chức sự kiện.

Nghe thì có vẻ chương trình học của Văn hoá học sẽ rất nặng nề và khô khan hơn so với những ngành khác nhưng thực sự điều anh thích thú nhất là khoa mình luôn sắp xếp chương trình học xen kẽ giữa lý thuyết với thực hành, thực tế nên các môn học rất thoải mái và dễ vận dụng.

Chưa kể đến các giảng viên khoa mình luôn tận tâm hướng dẫn cho sinh viên ngay cả khi ngoài giờ lên lớp, các thầy cô còn theo chân sinh viên tham gia chương trình thực tế, các hoạt động của Đoàn - Hội và sinh viên nữa.

Ngoài ra, một ưu điểm mà anh luôn khoe với bạn bè của mình, rằng cơ hội nghề nghiệp của khoa mình rộng hơn các bạn rất nhiều. Trong 4 năm học Đại học, chúng ta có đủ thời gian để học hỏi, trải nghiệm từng lĩnh vực và hiểu được bản thân mình thích, phù hợp với công việc gì nhất.

Theo quan điểm của anh, bất kể làm công việc gì thì khi chúng ta thích, đam mê với nó thì công việc sẽ đạt được hiệu quả tốt hơn và bản thân sẽ thấy có giá trị hơn rất nhiều.

Anh có thể chia sẻ một vài kỷ niệm trong quãng đời sinh viên của mình và kỷ niệm nào khiến anh ấn tượng nhất?

Ai đó từng nói rằng, quãng thời gian sinh viên là khoảng thời gian đẹp nhưng buồn nhất của mỗi người. Đẹp vì đây là lúc chúng ta có những mối quan hệ mới, học hỏi và khám phá những kiến thức, những kỹ năng mới. Đặc biệt hơn là chúng ta có những kỉ niệm khó quên với bạn bè, với thầy cô và với bản thân mình những ngày đầu trưởng thành. Còn buồn, là bởi vì 4 năm trôi qua thật chóng vánh, khi mà chúng ta nhận thức được rằng quãng thời gian sinh viên thật quý giá và vô lo vô âu, thì nó đã gần kết thúc và không thể quay trở lại.

Với anh, kỷ niệm của tuổi trẻ, của quãng đời sinh viên nhiều lắm và có lẽ anh sẽ khó có thể nào quên được. Đó là lần đầu tiên 1 mình đến trường nhập học còn bẽn lẽn rụt rè, là 1 tháng “nhập ngũ” kỳ học quốc phòng, là lần đầu trở thành Bí thư Đoàn khoa đại diện cho hàng trăm sinh viên khoa, là những lần nhận học bổng học tập - thứ tưởng chừng rất xa xỉ với mình, là những lần tham gia các hoạt động tình nguyện, các hoạt động phong trào của Đoàn - Hội, là những chuyến đi thực tế môn học ở An Giang, Côn Đảo, Tây Ninh; hay kỉ niệm cuối cùng của thời sinh viên - nhận bằng Tốt nghiệp,..

Nhưng nói đến kỷ niệm đặc biệt nhất trong 4 năm thì chắc không chỉ riêng anh, mà rất nhiều anh chị cùng lớp VHH9 sẽ nghĩ tới chuyến đi kiến tập 1 tháng tại Bắc Bình - Bình Thuận. Đây là thời gian mà cả lớp cùng ăn - cùng ngủ - cùng học tập và nghiên cứu với nhau tại địa phương để hoàn thành báo cáo kiến tập. Suốt 1 tháng cả lớp như là 1 gia đình đúng nghĩa, quan tâm chia sẻ với nhau, cũng có những lần nghi ngờ lẫn nhau vì mất trộm, nhưng rồi cùng nhau “phá án” và hiểu nhau nhiều hơn.

Riêng với anh, kỳ kiến tập này còn khó quên hơn cả, bởi vì trong tuần thứ 3 của chuyến đi, anh mất đi 1 người thân trong gia đình, một người bạn cùng lớp đã chạy xe máy suốt 6 tiếng đồng hồ chở anh về Tp. HCM để kịp chuyến bay về quê. Mỗi người thầy, người cô, người bạn của anh đều là 1 kỷ niệm quý giá mà anh luôn trân trọng.

 Anh có thể chia sẻ về công việc hiện nay cũng như kiến thức của ngành Văn hóa học giúp gì cho công việc hiện tại của anh?

Ngay từ những ngày đầu tham gia công tác Đoàn trường, anh và các bạn đã cùng nhau thành lập 1 Câu lạc bộ Truyền thông, với mục đích lan toả hình ảnh của trường đến với nhiều hơn các bạn học sinh, sinh viên được biết đến. Trong quá trình học, anh cũng được học thêm nhiều môn liên quan đến lĩnh vực Truyền thông, Marketing và trong năm 4 anh được bầu làm Tổng đạo diễn của chương trình kết thúc môn Tổ chức sự kiện.

Tất cả những yếu tố này đã định hướng đam mê và con đường phía trước cho anh. Anh bắt đầu với một số công việc về lĩnh vực PR - Marketing ngay từ khi còn đi học, trước ngày tốt nghiệp Đại học thì anh đã quyết định thành lập công ty Truyền thông & Tổ chức sự kiện và vẫn đang tiếp tục phát triển nó. Ngoài ra, anh cũng muốn thử thách bản thân thêm nên đã mở 2 quán cà phê và sắp tới sẽ cho ra mắt 1 thương hiệu thời trang cùng 1 số dự định khác nữa.

Hiện tại, những công việc anh đang làm đều do kiến thức và những môn học của ngành Văn hoá học giúp ích và “mở đường dẫn lối” khá nhiều. Việc học những môn nhiều lý thuyết sẽ khá khó nhớ, nhưng khi được tiếp cận thực tế bằng nhiều phương pháp mà khoa mình đang áp dùng như: tham quan thực tế, nghiên cứu tại địa phương, trải nghiệm nghề nghiệp,… thì chúng ta sẽ được vận dụng một cách triệt để vào trong công việc dễ dàng hơn khi đi làm.

Bên cạnh những kiến thức được học từ thầy cô và bài giảng, việc tham gia các hoạt động tình nguyện, công tác Đoàn - Hội hay việc đi làm thêm cũng giúp ích không nhỏ cho các bạn sau khi tốt nghiệp. Bản thân anh đã học được rất nhiều từ những công việc làm thêm và qua những chiến dịch tình nguyện của khoa, trường. Do đó, các bạn đừng đắn đo hay ngại ngùng trước những hoạt động này nhé, kết quả các bạn gặt hái được không chỉ là những con điểm rèn luyện đâu nha.

Từng là Bí thư đoàn khoa Văn hóa học, anh có thể gửi một vài lời khuyên hoặc định hướng nghề nghiệp đến các bạn sinh viên đang theo học tại khoa Văn hóa học, trường đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh hiện nay?

Theo anh, định hướng nghề nghiệp là con đường riêng mà mỗi bạn sẽ tự khám phá ra dựa trên những gì được học, được trải nghiệm và bản thân tự đúc kết ra. Mỗi bạn sẽ có tính cách cũng như sở thích và điểm mạnh, điểm yếu khác nhau. Do đó khi các bạn có cơ hội thì hãy thử sức với nhiều công việc, nhiều vị trí khác nhau để khám phá xem bản thân mình thích hợp và phát triển trong môi trường công việc như thế nào. Từ đó bản thân sẽ có định hướng rõ ràng cho riêng mình, không cảm thấy bị bế tắc hay “an phận” sau khi tốt nghiệp.

Qua 4 năm sinh viên, bản thân anh rút ra được vài điều chia sẻ cùng các bạn để sẽ không bị nuối tiếc khi ra trường nhé:

1 - Thiếu trải nghiệm và kỷ niệm đẹp với bạn bè: Tận dụng thời gian để xây dựng nên những trải nghiệm và kỷ niệm đẹp với bạn bè bằng những chuyến đi chơi thay vì những lời hứa không bao giờ thực hiện được.

2 - Quên chăm sóc người thân: Cuộc sống đại học bận rộn là thế, đến lúc đi làm sẽ lại càng quay cuồng hơn. Tuy nhiên, hãy luôn dành một chút thời gian để quan tâm gia đình và người thân.

3 - Không có bạn tâm giao: Đừng chỉ tìm bạn xã giao. Hãy vun đắp tình bạn tâm giao, tri kỉ để còn nhớ đến nhau và giữ liên lạc với nhau sau khi ra trường.

4 - Bốn năm đại học và cái CV trống rỗng: Hoạt động tình nguyện, làm thêm, học kỹ năng mềm, tin học, ngoại ngữ,… Đừng để 4 năm trôi qua lãng phí với bằng đại học khá - giỏi nhưng CV lại trống rỗng. Hãy cố gắng học thêm những kỹ năng cần thiết, chịu khó đi làm để sớm làm quen với những va vấp trong cuộc sống.

5 - Hối tiếc vì sống quá an phận, thiếu định hướng: Chấp nhận thử thách, dám tìm những lối đi mới, bước ra khỏi vùng an toàn và nắm bắt lấy cơ hội.

Cảm ơn anh về cuộc trò truyện này!

-BBT Khoa VHH-

Từ khóa:

BÀI VIẾT LIÊN QUAN