bởi quản trị viên | Date: 17-11-2024
Nằm trong khuôn khổ học phần Điền dã Dân tộc học và Tổ chức Phát triển Cộng đồng do giảng viên - ThS Cao Nguyễn Ngọc Anh giảng dạy, nhóm sinh viên lớp Văn hóa học 16, chuyên ngành Văn hóa Việt Nam, Khoa Văn hóa học - Trường Đại học Văn hóa TP.HCM (HCMUC) đã thực hiện chuyến nghiên cứu thực địa tại xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh từ ngày 6/11 đến 16/11/2024.
Lễ hội Ok Om Bok - còn được gọi là lễ hội Cúng Trăng, là một nét văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào Khmer Nam Bộ. Tại xã Tam Ngãi, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh, lễ hội được tổ chức vào rằm tháng 10 âm lịch hằng năm với các hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa như: nghi thức dâng lễ tại chùa, thả đèn hoa đăng, đút cốm dẹp, pháo hoa,...
"Qua chuyến điền dã, sinh viên Văn hóa học chúng em đã có cơ hội hiểu sâu sắc hơn về giá trị văn hóa độc đáo của lễ hội Ok Om Bok tại xã Tam Ngãi. Đồng thời, chúng em cũng nhận thức rõ vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy các truyền thống văn hóa lâu đời của cộng đồng Khmer", đại diện nhóm nghiên cứu chia sẻ.
Khi tham gia trực tiếp các hoạt động của lễ hội, nhóm nghiên cứu lớp Văn hóa học 16 cảm nhận được sự linh thiêng và lòng thành kính của người dân dành cho các vị thần linh, cũng như niềm tự hào về di sản văn hóa của họ.
Dịp này, nhóm nghiên cứu Văn hóa học 16 cũng đã gửi tặng một số phần quà đến Đoàn Thanh niên xã Tam Ngãi và hai ngôi chùa: Chùa Đầu Giòng (វត្តចុងខ្សាច់, Wat Chong Ksach) và Chùa Cây Xanh (វត្តកំបាំងបាត់, Wat Kombang Bat) tại địa phương.
Hành trình không chỉ đem lại kiến thức chuyên môn mà còn giúp các thành viên thêm tự hào và trân trọng di sản văn hóa phong phú của các dân tộc Việt Nam.
Bài, ảnh: Văn hóa học 16
- BBT Website VHH -