bởi quản trị viên | Date: 22-10-2024
Thực hiện chủ trương của Đảng uỷ, Ban Giám hiệu về việc cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ lý luận và thực tiễn cho giảng viên, từ ngày 16/10 đến 18/10/2024, đoàn cán bộ giảng viên Trường Đại học Văn hoá Tp. Hồ Chí Minh (5 giảng viên Khoa Văn hóa học và 1 giảng viên Khoa Văn hóa dân tộc thiểu số) đã tham dự Lễ hội Dinh Thầy Thím tại xã Tân Tiến, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận.
Lễ hội Dinh Thầy Thím được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (Theo Quyết định số 62/QĐ-BVHTTDL, ngày 12/01/2022, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Đây không chỉ là dịp để người dân bày tỏ lòng kính trọng đối với Thầy Thím, những con người đức độ, tài năng mà còn thể hiện sự tri ân những người đã mở mang vùng đất La Gi, Bình Thuận. Lễ hội Dinh Thầy Thím cũng là dịp để kết nối cộng đồng, giáo dục truyền thống lịch sử-văn hoá, nhân văn cho thế hệ trẻ, giúp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá trong bối cảnh hội nhập sâu rộng hiện nay. Ngoài ra, lễ hội còn thu hút đông đảo khách du lịch khắp nơi về tham dự, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa bền vững cho vùng đất La Gi nói riêng và tỉnh Bình Thuận nói chung.
Trong những ngày tham dự lễ hội, đoàn cán bộ giảng viên Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh đã nghiêm túc, trách nhiệm, tìm hiểu nghiên cứu các nội dung, hoạt động trong khuôn khổ của Lễ hội nhằm tăng cường sự hiểu biết thực tiễn, mở ra những hướng khác nhau trong công tác nghiên cứu về văn hoá, văn hoá dân gian, phục vụ công tác giảng dạy, góp phần quảng bá lễ hội Dinh Thầy Thím đến du khách trong và ngoài nước, nâng cao sự hiểu biết, tôn trọng các loại hình di sản văn hóa của Việt Nam.
Trong chuyến đi này, giảng viên Trường Đại học Văn hoá Tp. Hồ Chí Minh còn kết hợp tham quan các danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Bình Thuận như Hải đăng Kê Gà, chùa Linh Sơn Trường Thọ và Tổ đình Linh Sơn Long Đoàn trên núi Tà Cú, trải nghiệm ẩm thực địa phương…
Tại buổi gặp mặt Ban tổ chức lễ hội và lãnh đạo địa phương, ThS.NCS Lê Thị Hồng Quyên, Phó khoa điều hành khoa Văn hoá học đã giới thiệu về Khoa và Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh với bề dày trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng, đồng thời bày tỏ mong muốn có sự liên kết, kết nối sâu hơn giữa địa phương và Trường trong thời gian tới.
Điền dã, khảo sát thực tế là hoạt động diễn ra thường xuyên của giảng viên, sinh viên Trường Đại học Văn hoá TP. Hồ Chí Minh nhằm đáp ứng nhu cầu nghiên cứu khoa học phục vụ công tác giảng dạy-học tập. Thông qua các chuyến đi, giảng viên, sinh viên có cơ hội tìm hiểu, nghiên cứu các biểu đạt văn hoá đa dạng của các cộng đồng, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.
- BBT Website VHH -