bởi quản trị viên | Date: 05-06-2020
Nghiên cứu văn hóa trong quan hệ với văn học từ góc nhìn ứng dụng là việc làm không những có ý nghĩa khoa học mà còn có ý nghĩa thực tiễn, góp phần luận giải mối quan hệ văn hóa - văn học trong việc vận dụng lý thuyết nghiên cứu liên ngành để khảo sát các giá trị văn hóa được phản ánh qua văn học, mở ra những hướng nghiên cứu văn hóa từ góc nhìn ứng dụng như: 1/ Khảo sát các giá trị văn hóa trong tác phẩm văn học để viết các bài phê bình, nghiên cứu văn học từ góc nhìn văn hóa; 2/ Thực hiện các công trình nghiên cứu chuyên sâu mang tính hệ thống về giá trị văn hóa của các dân tộc, các vùng miền, các cộng đồng được phản ánh trong tác phẩm văn học, để tìm những giải pháp hữu hiệu bảo tồn và phát triển “giòng sinh mệnh văn hóa” dân tộc; 3/ Nghiên cứu sự giao thoa giữa văn hóa, văn học và điện ảnh trong tác phẩm văn học để ứng dụng vào việc chuyển thể tác phẩm văn học thành kịch bản điện ảnh,từ đó dựng thành phim phục vụ công chúng nghệ thuật.
Đây là một hướng đi mới mở ra cho những người chọn học ngành Văn hóa học, vốn có niềm say mê nghiên cứu văn học và văn hóa, khi bước vào con đường lập thân, lập nghiệp trong thời đại hội nhập và phát triển của xu hướng toàn cầu hóa.
1. Là thành tố cơ bản của văn hóa, văn học có vai trò vô cùng quan yếu trong việc phản ánh nền văn hóa dân tộc trên nhiều bình diện như phong tục tập quán, lễ hội, tôn giáo, tín ngưỡng, tri thức dân gian, truyền thống văn hóa, các danh thắng, đền đài,… Như vậy, xét về một ý nghĩa nào đó, nhà văn là người đã viết nên lịch sử tâm hồn văn hóa dân tộc mình bằng văn học để thức nhận những ký ức văn hóa dân tộc nơi người đọc. Tiếp xúc với tác phẩm văn học cũng chính là tiếp xúc với những giá trị văn hóa được nhà văn phản ánh trong đó, nhất là những tác phẩm văn học mà đối tượng phản ánh là những vấn đề văn hóa như tác phẩm văn học viết về phong tục, tôn giáo, tín ngưỡng, các truyền thuyết lịch sử, lễ hội…. Dấu ấn văn hóa ở những tác phẩm văn học thuộc thể tài này là đối tượng nghiên cứu của văn hóa học ứng dụng, khi chúng ta tìm hiểu các giá trị văn hóa nhìn từ văn học, dựa trên cơ sở lý thuyết liên ngành giữa văn học và văn hóa. Bởi, theo D.C.Likhachốp: “Trong khi kiếm tìm những đặc điểm của nền văn hoá, trước hết, chúng ta cần phải tìm hiểu sự trả lời ở văn học và chữ viết. Văn học “nói” thay cho văn hoá dân tộc giống như con người “nói” thay cho tất cả những gì trong trời đất. Vì vậy, những biến động, những thay đổi, tiến triển trong đời sống văn hoá dân tộc cũng sẽ kéo theo sự chuyển đổi, phát triển của lịch sử văn học dân tộc.” [1]
Vì vậy, Có thể khẳng định, giữa văn hóa và văn học có mối quan hệ gắn bó hữu cơ, tác động lẫn nhau. Song, văn hóa vẫn giữ vai trò là nguồn cội của văn học, để cung cấp chất liệu, vốn sống, tri thức, cảm hứng, nhằm tạo nên những dự phóng sáng tạo của nhà văn. Trong tiến trình vận động và phát triển, nền văn học dân tộc bao giờ cũng chịu sự tác động không chỉ của những biến động xã hội mà còn của những biến đổi văn hóa. Và, từ trong nguyên ủy của mình, có thể nói, văn học tự thân đã là văn hóa. Tìm hiểu quan hệ văn hóa - văn học, từ góc nhìn văn hóa học ứng dụng là một việc làm không những có ý nghĩa khoa học mà còn có ý nghĩa thực tiễn, góp phần không chỉ luận giải mối quan hệ văn học và văn hóa trong quá trình vận dụng lý thuyết nghiên cứu liên ngành văn hóa, văn học mà còn khảo sát các bình diện giá trị của văn hóa được phản ánh qua văn học từ góc nhìn ứng dụng.
2. Như đã nói ở trên, văn học và văn hóa có mối quan hệ vô cùng chặt chẽ. Văn học là tấm gương phản chiếu văn hóa. Vì vậy, muốn ứng dụng văn hóa vào việc nghiên cứu văn học, người nghiên cứu cần phải trang bị một nền tảng tri thức về văn học và văn hóa không chỉ của dân tộc mình mà còn của cả các dân tộc khác trên thế giới. Bởi, muốn ứng dụng văn hóa vào nghiên cứu văn học được phản ảnh trong tác phẩm văn học một cách thấu đáo, không thể không nắm được giá trị của các bình diện văn hóa. Chẳng hạn khi nghiên cứu các tác phẩm văn học viết về phong tục trong văn hóa hôn nhân gia đình Việt Nam như: Gia đình, Thừa tự của Khái Hưng, Đoạn tuyệt của Nhất Linh; Chồng con của Trần Tiêu... chúng ta không thể không hiểu được quan niệm về hôn nhân, gia đình vô cùng khắc nghiệt của ý thức hệ phong kiến Việt Nam trong xã hội lúc bấy giờ. Hay khi nghiên cứu tác phẩm Mẫu thượng ngàn của Nguyễn Xuân Khánh, không thể không hiểu được niềm tin tâm linh của tín ngưỡng thờ Mẫu, một tín ngưỡng bản địa trong văn hóa Việt Nam. Hoặc để hiểu Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh, Cõi người rung chuông tận thế của Hồ Anh Thái, Giàn thiêu của Võ Thị Hảo, không thể không luận bàn đến niềm tin cứu rỗi, thanh tẩy, hướng thiện, cảm hóa con người như một giá trị nhân văn cao cả trong truyền thống văn hóa Việt Nam. Chính vì thế, để hiện thực hóa vai trò và chức năng ứng dụng của văn hóa học, khi nghiên cứu các tác phẩm như: Chuyện làng cuội của Lê Lựu, Bến không chồng của Dương Hướng, Mãnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường... không thể không hiểu được tầng sâu của không gian văn hóa ở đồng bằng Bắc Bộ.
Cùng với việc trang bị kiến thức văn hóa để gải mã các vấn đề văn hóa được phản ánh trong các tác phẩm văn học từ góc nhìn văn hóa học ứng dụng, một vấn đề cần nắm vững đó là cơ sở lý thuyết của phương pháp nghiên cứu liên ngành, trong đó cần chú trọng tính liên ngành giữa văn hóa và văn học cũng như các loại hình nghệ thuật khác mà điều này được thể hiện khá sinh động trong các tác phẩm văn học dân gian như: Tấm Cám, An Dương Vương, Trầu Cau, Sử thi Đam San, Tiễn dặn Người yêu... cũng như nhiều tác phẩm thuộc bộ phận văn học viết thời trung đại và hiện đại. Không ứng dụng phương pháp liên ngành, không thể luận giải xác đáng nội dung và hình thức nghệ thuật của tác phẩm văn học từ mối quan hệ văn hóa, văn học.
Nghiên cứu văn hóa trong quan hệ văn học từ góc nhìn ứng dụng là một vấn đề cần thiết trong thực tiễn nghiên cứu văn hóa - văn học, góp phần đa dạng hóa hình thức ứng dụng của văn hóa học mà một trong những hướng ứng dụng, chúng tôi muốn nói đến là việc khảo sát các giá trị văn hóa trong tác phẩm văn học để viết các bài phê bình, nghiên cứu văn học từ góc nhìn văn hóa. Đây là một lĩnh vực nghiên cứu hiện nay được các nhà lý luận, phê bình rất quan tâm. Và điều này được minh chứng sinh động qua các công trình phê bình văn học, thể hiện một cái nhìn đa diện, đa chiều trong việc giải mã các vấn đề văn hóa từ văn học như: Từ cái nhìn văn hóa, (Nxb. Văn hóa dân tộc, 1999); Hồ Xuân Hương, Hoài niệm phồn thực (Nxb. Văn hóa Thông tin, 1999; 2010); Văn hóa Việt Nam nhìn từ mẫu người văn hóa, (Nxb. Văn hóa Thông tin, 2005); Phê bình văn học con vật lưỡng thê ấy, (Nxb. Hội Nhà văn, 2011) của Đỗ Lai Thúy; “Tâm thức văn hóa Thăng Long Hà Nội trong sáng tác của Vũ Bằng” (Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam số 189/2010); “Văn hóa phong tục tập quán ngày tết qua tâm thức Vũ Bằng” (Nhà văn số 2/2012); “Chợ Tết trong tâm thức Vũ Bằng qua Thương nhớ mười hai” (Kiến thức Ngày nay số 772/2012), “Ca dao địa danh Nam Bộ, giá trị văn hóa phi vật thể cần được bảo tồn và phát triển” (Di sản số 11/2011); “Cảm hứng văn hóa đô thị trong ca dao Việt Nam” (Nguồn sáng dân gian số 4 (41)/2011); “Văn hóa Tây Nguyên trong tâm thức Nguyên Ngọc” (Kiến thức Ngày nay số 834/10/10/2013); “Thơ Phùng Cung và những ám ảnh văn hoá Việt”, (Báo Văn nghệ, số 4,5, 6/2014) của Trần Hoài Anh; “Thử dẫn vào nghiên cứu văn học từ góc nhìn cỗ mẫu” của Nguyễn Quang Huy (Sông Hương số 281/7 - 2012); “Di sản văn hóa của Nguyễn Du – những giá trị xuyên thời đại” của Nguyễn Đăng Điệp; “Những chiều kích văn hóa chi phối cuộc đời và sáng tác của Nguyễn Du” của Trần Ngọc Vương (Hội Thảo “Di sản văn chương Đại Thi hào Nguyễn Du 250 năm nhìn lại”; Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2015); “Phê bình sinh thái ở Việt Nam từ góc nhìn văn hóa” của Nguyễn Thùy Trang; “Biểu tượng ngôi sao trong truyền thuyết dân gian người Việt” của Nguyễn Thị Quỳnh Hương; “Hệ thống biểu tượng trong Mẫu Thượng Ngàn của Nguyễn Xuân Khánh” của Cao Kim Lan; “Nguyễn Ngọc Tư và những truyện ngắn gặp gỡ với truyện cổ tích thần kỳ Việt Nam” của Trịnh Đặng Nguyên Hương (Hội thảo khoa học Văn học Việt Nam trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế, Viện Văn học tổ chức 8/1986); “Những miền mơ tưởng mẫu tính và nữ tính vĩnh hằng trong Mẫu Thượng Ngàn của Nguyễn Xuân Khánh (một tiếp cận từ lý thuyết cổ mẫu)” của Nguyễn Quang Huy; “Mẫu Thượng Ngàn con đường tìm về cội nguồn văn hóa và sức sống dân tộc” của Nguyễn Văn Long, Lê thị Thủy; “Đội gạo lên chùa, một cách hiểu về Phật tính” cuả Nguyễn Thị Bình; “Khi tâm thức Phật giáo hòa vào tâm thức Việt (nhân đọc Đội gạo lên chùa)” của Tôn Phương Lan; “Tiểu thuyết Nguyễn Xuân Khánh sự đan bện giữa lịch sử văn hóa - phong tục” của Nguyễn Hoài Nam; Từ văn học đến/về văn hóa: diễn ngôn (chủ nghĩa dân tộc) trong hư cấu (lịch sử) của Nguyễn Xuân Khánh” của Đoàn Ánh Dương; “Sự ám ảnh của tín ngưỡng dân gian trong tiểu thuyết Mẫu Thượng Ngàn” của Trần Thị An… trong công trình: Lịch sử và văn hóa cái nhìn nghệ thuật Nguyễn Xuân Khánh (Nguyễn Đăng Điệp (chủ biên), Nxb, Phụ Nữ - Viện Văn học, Hà Nội, 2012)…
Qua những công trình nghiên cứu trên, ta thấy mối quan hệ giữa văn hóa và văn học từ góc nhìn ứng dụng là một thực thể đa dạng và phong phú, hiện hữu trong đời sống lý luận phê bình văn học hiện nay và được xem như một phương diện của văn hóa học ứng dụng. Bởi, theo Đỗ Lai Thúy: “Từ thời trung đại khi Phạm Quý Thích bình luận Kiều là Nhất phiến tài tình phiên cổ lụy/ Tân thanh đáo để vị thùy thương. Rồi khi có phê bình văn học, thì truyện Kiều được Trần Trọng Kim nghiên cứu từ quan điểm Phật giáo, Thơ mới được Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam, phần “Một thời đại trong thi ca” khảo sát từ luồng gió mới của văn hóa phương Tây. Gần đây khi bộ môn văn hóa học và nhân học văn hóa xuất hiện tại Việt Nam thì lối tiếp cận văn học từ văn hóa càng được coi trọng.”[2] Và từ thực tiễn của hướng nghiên cứu này, Đỗ Lai Thúy đã đi đến xác quyết: “Những thành tựu của văn hóa học ngày nay cho phép chúng ta có thể nhìn nhận văn hóa như một tổng thể một hệ thống bao gồm những yếu tố như ngôn ngữ, phong tục tập quán, luật pháp, tôn giáo tín ngưỡng, nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật biểu diễn, trong đó có văn học.”[3]
Như vậy, trong nhãn quan của Đỗ Lai Thúy, việc giải mã các giá trị văn hóa trong tác phẩm văn học là một tất yếu của vấn đề nghiên cứu văn hóa và văn học. Bất cứ tác phẩm văn học nào cũng hàm chứa trong đó những phẩm tính văn hóa của cộng động mà nhà nghiên cứu phải có trách nhiệm khám phá để nhận diện nó. Vì thế, trong lĩnh vực văn hóa học ứng dụng xét từ mối quan hệ văn hóa và văn học, việc vận dụng những kiến thức văn hóa để phê bình các hiện tượng văn học cũng là một phương diện cần được quan tâm của văn hóa học ứng dụng.
Khi bàn đến việc ứng dụng văn hóa học trong nghiên cứu các giá trị văn hóa nhìn từ mối quan hệ giữa văn hóa và văn học, một phương diện khác, chúng tôi muốn nói đến đó là việc thực hiện các công trình nghiên cứu chuyên sâu có tính hệ thống về giá trị văn hóa của các dân tộc, các vùng miền, các cộng đồng, các lĩnh vực đã được phản ánh trong các tác phẩm văn học, để tìm những giải pháp hữu hiệu góp phần bảo tồn và phát triển “giòng sinh mệnh văn hóa” dân tộc qua các công trình nghiên cứu như: Bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa của các dân tộc Tây Bắc qua tác phẩm Vợ chồng A phủ, Cứu Đất cứu Mường. Mường Giơn, Miền Tây... của Tô Hoài; Xa phủ, Người con trai họ Hạng; Cái móng ngựa; Đồng bạc trắng hoa xòe; Vùng biên ải; Gặp gỡ ở La Pan Tần... của Ma Văn Kháng và tác phẩm của các nhà văn là đồng bào dân tộc thiểu số như: Nông Minh Châu, Vi Thị Kim, Vi Hồng, Hoàng Triều Ân, Hoàng Đình Đạt, Nông Viết Toại, Vương Hùng, Triệu Báo (Tày), Lò Văn Sỹ (Thái), Nông Trung (Giáy); Bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa các dân tộc Tây nguyên qua các tác phẩm như: Sử thi Tây Nguyên; Đất nước Đứng lên, Rừng xà Nu, Các bạn tôi ở trên ấy... của Nguyên Ngọc; Ông già Kơ rao, Hơ Giang, Như cánh chim KWay của Y Điêng; Lạc rừng của Trung Trung Đỉnh...; Bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa Nam bộ qua tác phẩm: Ngọn cỏ gió đùa, Con nhà nghèo, Nợ đời, Cay đắng mùi đời, Khóc thầm, Lòng dạ đàn bà của Hồ Biểu Chánh; Nhốt gió, Đò dọc, Ký thác, Nhện chờ mối ai của Bình Nguyên Lộc; Kồn trô, Nắng bên kia làng, Sương gió biên thùy, Bức chân dung, Bến xuân, Ngàn lau sông Địch của Lý Văn Sâm; Đường về gia hương, Cá bống mú, Đất rừng phương Nam của Đoàn Giỏi; Nắng đẹp miền quê ngoại, Mưa ấm, Vết thương thứ 13, Tiếng khóc và tiếng hát của Trang Thế Hy; Hương rừng Cà Mau, Biển cỏ miền Tây của Sơn Nam; Ngọn đèn không tắt, Giao thừa, Cánh đồng bất tận, Khói trời lộng lẫy, Yêu người ngóng núi... của Nguyễn Ngọc Tư... Hay đầu tư các công trình nghiên cứu về văn hóa Phật giáo, tín ngưỡng dân gian, văn hóa Kitô giáo được thể hiện trong các tác phẩm văn học... Chính các công trình này sẽ giúp cho việc nghiên cứu văn hóa từ góc nhìn ứng dụng thiết thực hơn, phong phú hơn. Bởi lâu nay, các nhà nghiên cứu thường chỉ tập trung tìm hiểu các hiện tượng văn hóa qua việc sưu tầm, điều tra, điền giả, nghiên cứu thực địa,... mà ít quan tâm đến các dữ liệu văn hóa kết tinh trong các tác phẩm văn học. Mặt khác, theo Đỗ Lai Thúy, vì văn học là một yếu tố trong hệ thống văn hóa cho nên: “Nếu văn học có chức năng phản ánh hiện thực thì cũng không thể phản ánh trực tiếp được mà chỉ có thể phản ánh thông qua “lăng kính” văn hóa, thông qua “bộ lọc” của các giá trị văn hóa. Nhờ thế, văn học tránh được sự phản ánh “gương”, phản ánh một cách trần trụi”[4] Và: “Một khi văn học chỉ là một yếu tố của hệ thống văn hóa và chỉ “quan hệ” được với hệ thống xã hội thông qua văn hóa, thì khung nghiên cứu văn học cũng phải là khung văn hóa.”[5] Và ở hướng nghiên cứu này có thể tìm thấy kinh nghiệm qua các công trình: Tiếp nhận truyền Kiều từ góc nhìn văn hóa, Nxb. Giáo dục, H, 2011 của Lê Nguyên Cẩn; Văn học và văn hóa, vấn đề và suy nghĩ, Nxb. Khoa học Xã hội, H, 2002 của Nguyễn Văn Hạnh; Văn hóa Việt Nam và cách tiếp cận mới, Nxb. Thanh niên, H, 1999 của Phan Ngọc; Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hóa, Nxb. Giáo dục, H, 2003 của Trần Nho Thìn; Văn học Việt Nam – dòng riêng giữa nguồn chung, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 1999 của Trần Ngọc Vương; Bản sắc Việt Nam qua giao lưu văn học, Nxb ĐH Quốc gia Hà Nội, 2006 của Nguyễn Bá Thành; Văn học nhìn từ Văn hóa, Nxb. Thanh niên, H, 2012 của Trần Hoài Anh …
Một phương diện khác trong việc ứng dụng văn hóa học vào việc sáng tạo nghệ thuật mà chúng tôi muốn đề cập đến đó là nghiên cứu mối quan hệ giữa văn hóa, văn học và điện ảnh qua tác phẩm văn học để chuyển thể tác phẩm văn học thành kịch bản điện ảnh, dựng thành phim phục vụ công chúng như đã tồn tại lâu nay ở đời sống văn nghệ trong và ngoài nước. Đó là các bộ phim như Chùa Đàn của đạo diễn Việt Linh chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Nguyễn Tuân; Đất nước đứng lên của đạo diễn Lê Đức Tiến, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Nguyên Ngọc; Mùa len trâu của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh, chuyển thể theo tác phẩm Một cuộc bể dâu và Mùa len trâu của Sơn Nam; Trăng nơi đáy giếng của đạo diễn Vĩnh Sơn, chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của Trần Thùy Mai; Cánh đồng bất tận của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình, chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Nguyễn Ngọc Tư; Tây du ký của đạo diễn Dương Khiết, chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Ngô Thừa Ân; Hồng lâu mộng của đạo diễn Vương Phù Lâm, chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Tào Tuyết Cần… Theo chúng tôi, đây cũng là một hướng nghiên cứu rất khả quan có thể vận dụng để mở ra những lộ trình cho bộ môn văn hóa học ứng dụng dựa trên cơ sở những kinh nghiệm từ thực tiễn sáng tạo văn học nghệ thuật trong mối quan hệ giữa văn học, văn hóa và các loại hình nghệ thuật khác mà các tác phẩm điện ảnh được chuyển thể từ tác phẩm văn học đã xuất hiện và tồn tại trong đời sống văn nghệ như đã nêu trên là một xác chứng đầy thuyết phục.
3. Văn hóa là một trong những phẩm tính không thể thiếu ở con người mà phẩm tính nầy được thể hiện sinh động trong tác phẩm văn học. Thế nên, việc ứng dụng văn hóa trong nghiên cứu văn học, thực chất là khám phá những giá trị văn hóa được lưu giữ trong văn học để góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Đây là một lộ trình nghiên cứu mang tính mở, nên những bình diện nghiên cứu chúng tôi trình bày ở trên chỉ là những gợi mở bước đầu. Vì theo Lê Nguyên Cẩn việc giải mã các giá trị văn hóa ở tác phẩm văn học trong mối quan hệ với văn hóa – văn học từ góc nhìn ứng dụng: “là một vấn đề không dễ giải quyết trong một sớm một chiều nhưng gợi mở một hướng nghiên cứu, một hướng tiếp cận tác phẩm văn chương để hiểu hơn vì sao văn học tồn tại trong đời sống con người và vì sao nhân loại cần tới văn học. Tất nhiên, khi nói văn hóa là của con người, do con người và cho con người thì văn học cũng phải mang các tính chất đó.”[6]
Song, để thực thi được hướng nghiên cứu này thì việc trang bị cho mình vốn kiến thức về văn học, văn hóa và các loại hình nghệ thuật khác là một điều vô cùng quan thiết. Bởi, không có nền tảng tri thức thỏa mãn điều kiện cần và đủ, không thể giải quyết được yêu cầu nghiên cứu đa dạng và phong phú của việc nghiên cứu văn hóa học từ góc nhìn ứng dụng, nhất là trong thời kỳ đất nước đang trên đà hội nhập và phát triển của xu hướng toàn cầu hóa. Và, nếu Bạn là người say mê nghiên cứu văn hóa và văn học theo hướng ứng dụng, Khoa Văn hóa học, Trường Đại học Văn hóa Tp. HCM sẽ là nơi đáp ứng nhu cầu cung cấp kiến thức về mọi phương diện, giúp Bạn thỏa mãn niềm say mê nghiên cứu cũng như rèn luyện năng lực, kỹ năng thực hành khi bước vào đời. Hy vọng bài viết nầy sẽ là những gợi ý để chia sẻ cùng Bạn trên hành trình chọn lựa con đường lập thân, lập nghiệp cho tương lai của mình.
Khoa Văn học, với đội ngũ Thầy cô giáo giàu tâm huyết với nghề và luôn say mê nghiên cứu đang sẵn sàng mở rộng vòng tay đón Bạn vào trường. Hãy đến với chúng tôi, Bạn sẽ không bao giờ thất vọng…
PGS.TS Trần Hoài Anh
Khoa Văn hóa học, Trường Đại học Văn hóa Tp. HCM
[1]Phan Thắng,“Văn hoá là cái giữ cho mỗi dân tộc có được gương mặt riêng của mình”,http://www.vanhoanghean.com.vn/van-hoa-va-doisong27/khach-moi-cua-tap-chi45/van-hoa-la-cai-giu-cho-moi-dan-toc-co-duoc-guong-mat-rieng-cua-minh, ngày cập nhật: 12/4/2015
[2] Đỗ Lai Thúy, Phê bình văn học con vật lưỡng thê ấy, NXb. Hội Nhà văn, 2011, tr.241-242
[3] Đỗ Lai Thúy, Phê bình văn học con vật lưỡng thê ấy, NXb. Hội Nhà văn, 2011, tr.244
[4] Đỗ Lai Thúy, Phê bình văn học con vật lưỡng thê ấy, Nxb. Hội Nhà văn, 2011, tr.246
[5] Đỗ Lai Thúy, Phê bình văn học con vật lưỡng thê ấy, Nxb. Hội Nhà văn, 2011, tr.247
[6] Lê Nguyên Cẩn, Tiếp cận văn học từ góc nhìn văn hoá, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2013, tr.9