Tự hào là sinh viên chuyên ngành Công nghiệp văn hoá - Khoa Văn hoá học Trường Đại học Văn hoá Tp. Hồ Chí Minh

bởi quản trị viên | Date: 11-05-2021

Công nghiệp văn hoá là gì? Chương trình học như thế nào? Liệu cơ hội nghề nghiệp có rộng mở? Xin giới thiệu đến quý độc giả góc nhìn, cảm nhận của bạn Trần Thị Huyền - sinh viên lớp Đại học Công nghiệp văn hoá 1, đang tham gia học tập tại khoa Văn hoá học trường Đại học Văn hoá TP. Hồ Chí Minh.


Tại Việt Nam, khoa Văn hoá học Trường Đại học Văn hoá TP. Hồ Chí Minh là cơ sở đầu tiên đào tạo cử nhân chuyên ngành Công nghiệp văn hoá. Và tôi là một trong số những sinh viên tiên phong của chuyên ngành này. Cầm trên tay giấy báo trúng tuyển vào khoa Văn hóa học, với ngôi trường mà mình yêu thích, thế nhưng, trong tôi vẫn còn nhiều mơ hồ với ngành học mang tên “Công nghiệp văn hoá”. Sau khoảng thời gian cân nhắc, suy nghĩ, tôi quyết định thử sức mình với con đường mới mẻ này. Đến nay, tôi đã là sinh viên năm thứ 3, trải qua những năm tháng được học tập và trải nghiệm ở khoa Văn hoá học, đến thời điểm này, tôi nhận thấy quyết định của mình là đúng đắn. Tự hào, hân hoan và mãn nguyện là cảm xúc hiện tại của tôi với chuyên ngành mà mình đã chọn. Những cảm xúc này không phải ngẫu nhiên mà có, nó đến sự trải nghiệm của chính bản thân tôi qua quá trình học tập và từ chính những ưu thế trong chương trình đào tạo của khoa Văn hoá học - ngôi nhà thứ 2 của tôi.

Chương trình học có sự kết hợp yếu tố “học” và  “hành”

Từ những bước đi đầu tiên với các môn học đại cương, cơ sở ngành, ngành cho đến các môn chuyên ngành, các thầy, cô khoa Văn hoá học đã định hướng cho chúng tôi hình dung rõ hơn về “Công nghiệp văn hóa” thông qua những buổi học thực tế, thực tiễn. Ngoài kiến thức lý thuyết được học trên lớp, gần như trong các môn học chúng tôi đều được thầy cô hướng dẫn tiếp cận thực tiễn khiến lớp chúng tôi rất thích thú và học tập rất hiệu quả. Chẳng hạn chúng tôi được tham quan phim trường, quy trình sản xuất phim; tham quan trường quay, được trải nghiệm thực tế trở thành diễn viên, đạo diễn trong môn học “Công nghiệp điện ảnh”, từ đó hiểu hơn về công nghiệp văn hoá cũng như công nghiệp điện ảnh Việt Nam hiện nay. Ngoài ra, còn có những chuyến tham quan các khu di tích, danh lam thắng cảnh, địa điểm biểu diễn ca nhạc, kịch trong các môn học “Di sản văn hóa”, “Kinh tế học sáng tạo”, “Xây dựng và phát triển dự án”… Hay với học phần “Tổ chức phát triển cộng đồng” chúng tôi lại được thực hành kĩ năng, phương pháp quan sát- tham dự khi được trực tiếp xuống địa bàn cư dân thực hành, trao đổi, phỏng vấn người dân… Tất cả đã giúp tôi ngày càng tiếp cận chuyên sâu hơn với lĩnh vực công nghiệp văn hoá.

Tôi vẫn chưa quên kỉ niệm với học phần “Tổ chức phát triển cộng đồng”. Khi được trực tiếp cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người dân, chúng tôi thấy mình trưởng thành hơn, yêu và trân trọng hơn những giá trị văn hoá. “Mong sao tụi con là những người sẽ phát triển hơn nữa những giá trị văn hóa quê hương” là câu nói mà các cô, chú ở địa bàn khảo sát đã nhắn nhủ khi chúng tôi hoàn thành đợt khảo sát và quay trở về trường để tiếp tục học tập.

Kỹ năng đa dạng, phong phú

Làm việc nhóm rất được coi trọng trong chương trình học quả chúng tôi. Quá trình học tập, trao đổi, làm việc nhóm đã giúp tôi tăng cường các kỹ năng bổ ích, cần thiết, như: Kỹ năng phản biện, kỹ năng sáng tạo, kỹ năng giao tiếp trước đám đông, kỹ năng quay phim, chụp hình, tổ chức sự kiện... Không biết từ khi nào, những thành viên trong lớp đã gắn kết, xích lại gần nhau hơn, tương tác và giúp đỡ nhau cùng học tập và tiến bộ, tạo thành một tập thể lớp đoàn kết, gắn bó với nhau. Nhờ đó, giúp chúng tôi phát triển bản thân với mục tiêu rõ ràng hơn trên con đường góp phần xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp văn hoá ở Việt Nam. 

 

Tự tin về cơ hội nghề nghiệp rộng mở

Đến nay, sự mơ hồ về chuyên ngành Công nghiệp văn hoá trong tôi đã biến mất. Quá trình học tập, tìm hiểu, tham gia các buổi tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm, trải nghiệm, sự hướng dẫn tận tình của các thầy cô… đã giúp tôi xây dựng nền tảng, kiến thức vũng chắc hơn, tin yêu hơn với sự lựa chọn ban đầu. Nếu có ai đó hỏi tôi về chuyên ngành mà mình theo học, tôi sẽ không ngại ngần, tự hào mà khoe vang: “Mình học chuyên ngành Công nghiệp văn hóa - Trường đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh”, nơi mở ra rất nhiều cơ hội nghề nghiệp với 12 lĩnh vực khác nhau, tạo cơ hội phát triển công việc. Chúng tôi đã dần định hướng được lĩnh vực đam mê, con đường để tiến về phía trước. Hơn bao giờ hết, đây là thời điểm sẵn sàng cho sự rộng mở nghề nghiệp tương lai.

Thật may mắn khi tôi được học dưới mái trường mà mình yêu thích, chọn đúng chuyên ngành có cơ hội phát triển nghề nghiệp trong tương lai. Chúng tôi luôn tự hào khi trở thành những người tiên phong, mở đầu cho việc đào tạo chuyên ngành Công nghiệp văn hoá. Tự hào khi được học chung cùng những người bạn kề vai sát cánh, giúp đỡ nhau đi lên trong học tập, tiếp thu kiến thức từ những người thầy, cô ngày đêm chèo lái thế hệ đầu tiên và các thế hệ tiếp theo đến gần hơn với sự nghiệp phát triển công nghiệp văn hóa. Với những nền tảng và ưu thế ấy, tôi hi vọng, trong tương lai không xa, bản thân tôi và các sinh viên theo học chuyên ngành “Công nghiệp văn hóa” sẽ góp một phần nhỏ dựng xây quê hương, đất nước.

                                                            Trần Thị Huyền - SV lớp CNVH1

 

Từ khóa: