bởi quản trị viên | Date: 16-05-2020
Ngày nay, cùng với tri thức và thái độ tích cực, kỹ năng mềm được xem là chìa khóa quan trọng giúp người học không chỉ tồn tại mà còn phát triển và mở cánh cửa thành công. Để trở thành một người năng động, sáng tạo và làm chủ mọi tình huống, một trong những yêu cầu cần thiết là sinh viên phải có những kỹ năng tương ứng, trong đó kỹ năng mềm được xác định là yếu tố vô cùng quan trọng, đặc biệt trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay.
Theo từ điển Giáo dục học: “ Kỹ năng là khả năng thực hiện đúng hành động, hoạt động phù hợp với những mục tiêu và điều kiện cụ thể tiến hành hành động ấy cho dù đó là hành động cụ thể hay hành động trí tuệ”. Kỹ năng mềm là những kỹ năng không liên quan trực tiếp đến kiến thức chuyên môn mà thiên về mặt tinh thần của mỗi cá nhân nhằm đảm bảo cho quá trình thích ứng với người khác, nhằm duy trì tốt mối quan hệ tích cực và góp phần hỗ trợ thực hiện công việc một cách hiệu quả. Đó chính là hành vi ứng xử của mỗi người, là cách tương tác với bạn bè, đồng nghiệp, cách làm việc nhóm.
Để đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động trong tương lai, việc đào tạo kỹ năng mềm được đưa vào giảng dạy tại Khoa Văn hóa học, trường đại học Văn hóa Tp.HCM và trở thành một yêu cầu của chuẩn đầu ra cho tất cả các chuyên ngành. Theo chương trình đào định hướng ứng dụng ngành Văn hóa học, sinh viên phải đáp ứng đầy đủ các chuẩn đầu ra về kiến thức, kỹ năng và thái độ. Bên cạnh chuẩn đầu ra về chuyên môn, về tin học và ngoại ngữ thì sinh viên phải có các kỹ năng mềm. Việc chú trọng định hướng phát triển kỹ năng mềm cho sinh viên là một trong những mục tiêu mà khoa Văn hóa học hướng đến. Chương trình đào tạo với các học phần tập trung vào kỹ năng như: Kỹ năng thuyết trình, Kỹ năng biên tập, Kỹ năng dẫn chương trình... , được sinh viên và các nhà tuyển dụng ủng hộ và đánh giá cao.
Chương trình đào tạo kỹ năng mềm cho sinh viên của khoa Văn hóa học được thiết kế linh hoạt, gắn với thực tiễn theo định hướng ứng dụng; giúp sinh viên xác định được mục tiêu, động lực học tập đúng đắn, phù hợp. Nâng cao kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống, biết cách giải quyết vấn đề khó khăn trong học tập và các lĩnh vực khác của cuộc sống. Qua đó giúp sinh viên tự tin chuẩn bị được hồ sơ ấn tượng và trả lời phỏng vấn tìm việc bán thời gian hoặc toàn thời gian hiệu quả ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Ngay từ những ngày đầu nhập học tại Khoa Văn hóa học, trường Đại học Văn hóa Tp.HCM, các bạn tân sinh viên của khoa đã được tham gia các buổi học kỹ năng mềm trong tuần sinh hoạt công dân đầu khóa (kỹ năng học đại học hiệu quả). Đối với sinh viên năm hai, năm ba, năm tư sẽ học các kỹ năng tạo dựng mối quan hệ và giải quyết vấn đề; Kỹ năng phỏng vấn xin việc; Kỹ năng quản lý thời gian và làm việc nhóm. Từ khi sinh viên được học các kỹ năng mềm, phần lớn sinh viên thích thú học và ứng dụng ngay trong cuộc sống. Khoa Văn hóa học đã xác định kỹ năng mềm là một môn học trong chương trình đào tạo của các chuyên ngành, có quy định cụ thể về số tiết, nội dung chương trình và được bố trí trong thời khóa biểu chính khóa. Ngoài những kỹ năng mềm mang tính chất chung như: Kỹ năng quản lý thời gian; Kỹ năng làm việc nhóm; Kỹ năng giao tiếp…tất cả những kỹ năng này đều được Khoa chuyên môn mời chuyên gia về giảng dạy vào đầu năm học. Tuy nhiên mỗi chuyên ngành đều có một số kỹ năng đặc thù của chuyên ngành đó làm chuẩn đầu ra. Dựa vào đặc điểm nghề nghiệp, vị trí việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp mà các kỹ năng mềm đó được lựa chọn giảng dạy với thời lượng nội dung và khung thời gian khác nhau. Các kỹ năng đó là: kỹ năng phân tích, tổng hợp; kỹ năng phản biện; kỹ năng truyền đạt, thuyết phục và giải pháp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa như du lịch, điện ảnh, mỹ thuật, quảng cáo....Có thể thấy, hoạt động giảng dạy, đào tạo kỹ năng mềm phải xuất phát từ nhu cầu sinh viên và nhu cầu thị trường lao động. Sinh viên chỉ có thể tích cực tham gia học tập nếu những kiến thức và kỹ năng mềm đó là có ích, cần thiết cho nghề nghiệp, cho tương lai của họ. Chính kỹ năng mềm đã góp phần làm nên chất lượng giáo dục trong môi trường đại học. Từ đó, hoàn chỉnh dần khả năng của các em sau khi ra trường. Các em vừa tiếp cận được kiến thức, vừa rèn luyện kỹ năng, vừa được đào tạo một thái độ tích cực.
Giảng dạy kỹ năng mềm khác nhiều so với giảng dạy các môn khoa học thuần túy, đòi hỏi người giảng viên phải có kiến thức chuyên môn, am hiểu tâm lý lứa tuổi, có kinh nghiệm và sự trải nghiệm thực tế. Thêm nữa, hiện nay tại khoa Văn hóa học, việc tích hợp kỹ năng mềm vào các môn học chính khóa đang đươc áp dụng triệt để ở hầu hết các học phần. Việc tích hợp giúp cho người học có thể ứng dụng các kỹ năng mềm được biết vào những hoạt động thực tế. Qua đó, họ có thêm thời gian và hoạt động để hình thành kỹ năng một cách tốt nhất. Ví dụ như kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý thời gian…Các bạn vận dụng ngay các kỹ năng mềm đó trong việc tiếp thu kiến thức của từng học phần. Các bạn chuyển từ hình thức học thụ động sang hình chức chủ động, lấy người học là trung tâm. Phương pháp này theo định hướng ứng dụng, giảng viên đổi mới cách dạy từ truyền thống sang dạy học tích cực. Tích hợp dạy kỹ năng mềm hiệu quả nó phụ thuộc nhiều vào giảng viên. Giảng viên là người đạo diễn và kiểm soát lớp để cuốn các bạn sinh viên tham gia. Tích hợp kỹ năng mềm vào việc giảng dạy là điều cần thiết, là môi trường để sinh viên rèn luyện kỹ năng ngay khi bước vào giảng đường đại học. Tuy nhiên, việc tích hợp cần nhiều điều kiện từ phía giảng viên, từ phía người học. Đối với giảng viên cần phải có phương pháp giảng dạy kỹ năng mềm. Phương pháp giảng dạy một trong những yếu tố quan trọng, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Phương pháp giảng dạy khoa học, phù hợp sẽ tạo điều kiện cho giảng viên và sinh viên phát huy khả năng truyền đạt và lĩnh hội kiến thức. Ý thức được điều đó, giảng viên khoa Văn hóa học đã linh hoạt sử dụng các phương pháp giảng dạy như: Phương pháp làm việc nhóm, phương pháp thuyết trình/ vấn đáp, phương pháp kể chuyện, phương pháp trực quan... Bên cạnh đó giảng viên sử dụng các kỹ thuật giảng dạy như: Kỹ thuật bàn tay nắn bột, kỹ thuật khăn trải bàn, kỹ thuật công não, kỹ thuật chuyên gia, kỹ thuật các mảnh ghép…Việc rèn luyện các kỹ năng mềm có thể được tiến hành bằng nhiều cách khác nhau, nhưng cốt lõi là sinh viên phải dựa trên sự hiểu biết về kỹ năng đó, vạch ra các thao tác cần thực hiện, thực hiện một cách thường xuyên và liên tục các bài tập bên cạnh sự hướng dẫn của giảng viên. Từ đó giúp cho sinh viên có ý thức rèn luyện và vận dụng hiệu quả vào các tình huống khác nhau của cuộc sống. Đó cũng chính là chìa khóa giúp các bạn sinh viên mở cánh cửa tương lai và thành công trong công việc cũng như trong cuộc sống.
Nguyễn Thị Ngọc Ánh-Giảng viên khoa Văn hóa học