bởi quản trị viên | Date: 09-07-2021
Sở hữu gương mặt trong sáng, Trần Thị Bảo Ngân sinh viên lớp ĐH. Văn hóa học 11 (khóa 2017 – 2021), chuyên ngành Văn hóa Việt Nam, khoa Văn hóa học luôn thu hút mọi người bằng vẻ xinh xắn, sự tự tin, năng động trong các hoạt động xã hội.
Bảo Ngân đang là Ủy viên Liên chi hội sinh viên khoa Văn hóa học. Cô nàng luôn hăng say tham gia các hoạt động, phong trào Đoàn, Hội do khoa và trường tổ chức. Bên cạnh đó, với nền tảng kiến thức văn hóa được trang bị trong nhà trường cùng kỹ năng mềm tích lũy trong quá trình hoạt động là hành trang giúp cô nàng tự tin tham gia các cuộc thi sắc đẹp dành cho sinh viên.
Nếu có dịp trò chuyện cùng người được mệnh danh là thợ săn học bổng khoa Văn hóa học, không quá khó để có thể lý giải những nguyên nhân đằng sau chuỗi thành thích khủng của cô nàng. Với Ngân, mọi hành động luôn cần phải có một mục tiêu cụ thể và khi đã xác định rõ ràng phải nghiêm túc theo đuổi ước mơ của chính mình.
Chào bạn, vì sao bạn chọn thi vào ngành Văn hóa học tại trường Đại học Văn hóa thành phố Hồ Chí Minh?
Bảo Ngân: Đến với ngành Văn hóa học là một cái duyên với mình, sở dĩ mình chọn ngành này bởi vì đây là một ngành khoa học chuyên nghiên cứu các lĩnh vực thuộc phạm trù văn hóa – xã hội, một trong những lĩnh vực mà mình yêu thích. Trước khi nộp hồ sơ thi vào chuyên ngành Văn hóa Việt Nam, mình đã tham khảo rất nhiều ngành học. Việc lựa chọn ngành nghề khiến mình rất đau đầu, không biết ngành này có phù hợp với mình không? Mình đã tham khảo ý kiến của thầy cô, ba mẹ và sau thời gian tìm hiểu, bản thân cảm thấy lôi cuốn với ngành học và phù hợp với khả năng của mình. Đến bây giờ, mình vẫn tự hào khi được là sinh viên khoa Văn hóa học, chọn đúng ngành mình yêu thích và có những kiến thức bổ ích chuẩn bị hành trang bước vào đời.
Bạn đã từng tham gia các chương trình nào do trường, khoa Văn hóa học tổ chức khi còn là sinh viên?
Bảo Ngân: Mình đã tham gia rất nhiều chương trình do Đoàn, Hội, khoa Văn hóa học tổ chức. Có thể kể đến các hoạt động như Xuân tình nguyện, Trung thu sẻ chia, Mùa hè xanh, Mùa yêu thương – Nụ cười cho em, Chủ nhật xanh, Kết nối văn hóa…. Gần đây, mình còn tham gia nấu cơm chay, phát khẩu trang, các nhu yếu phẩm cho những người dân khó khăn và các hộ dân trong khu cách ly cùng với các anh chị trong nhóm thiện nguyện Hi Vọng và nhà hàng chay.
Mỗi chương trình của trường và khoa Văn hóa học tổ chức đều để lại cho mình những ấn tượng và kỷ niệm khó quên. Tuy nhiên, có lẽ chương trình để lại cho mình ấn tượng nhất đó là Kết nối văn hóa . Chương trình mang dấu ấn riêng của khoa Văn hóa học, được tổ chức hàng năm nhằm mục đích tạo ra sân chơi học thuật, giao lưu giữa các sinh viên trong trường Đại học Văn hóa. Thông qua chương trình đã giúp mình được bổ sung thêm nhiều kiến thức, được biết thêm nhiều vùng đất và con người mới, kể cả văn hóa của các quốc gia khác từ đó tạo cơ hội giao lưu học hỏi giữa các bạn sinh viên.
Hình 1. Bảo Ngân tham gia các hoạt động xã hội, thiện nguyện của trường và địa phương
Được biết bạn đã từng tham dự cuộc thi Hoa khôi Sinh viên Việt Nam 2020, bạn đã chuẩn bị hành trang kiến thức về văn hóa như thế nào khi đến với cuộc thi này ?
Bảo Ngân: Mình đã từng tham gia cuộc thi Miss Spring 2019 (Duyên dáng Tết sinh viên) do nhà Văn hóa sinh viên tổ chức và đoạt giải Á khôi 1. Sau đó, năm 2020 mình tham gia cuộc thi “Hoa khôi sinh viên Việt Nam 2020” và mình lọt vào vòng Chung kết toàn quốc. Bản thân là một sinh viên ngành Văn hóa học được trang bị các kiến thức, kỹ năng từ các học phần như: văn hóa giao tiếp, văn hóa du lịch, văn hóa ẩm thực, phong tục tập quán Việt Nam,... đã giúp mình có một nền tảng vững chắc làm hành trang cho cuộc thi.
Hình 2. Bảo Ngân đoạt giải Á khôi 1 - cuộc thi Miss Spring 2019 (Duyên dáng Tết sinh viên) do nhà Văn hóa sinh viên tổ chức
Trong gần 4 năm ở giảng đường đại học, điều gì khiến bạn nhớ nhất và tiếc nuối nhất?
Bảo Ngân: Trong suốt 4 năm đại học, điều khiến mình nhớ nhất là những ngày phải chạy deadline quên ăn quên ngủ, những chuyến đi thực tế, điền dã được cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người dân ở xã Lương Phi, An Giang. Bên cạnh đó, mình còn được giao lưu học hỏi cùng bạn bè và được trải nghiệm kiến thức thực tế. Không những thế, các thầy cô khoa Văn hóa học đã giúp đỡ mình rất nhiều trong việc học tập và giải đáp những khúc mắc của trong cuộc sống.
Điều khiến mình tiếc nuối là bản thân mình đôi khi vẫn thụ động, chưa năng nổ và tự tin trong một số môn học hay các hoạt động, phong trào của khoa, của trường. Nếu thời gian có quay trở lại, mình sẽ cố gắng thực hiện tốt hơn các phong trào ấy và học thật giỏi để tiếp thu những kiến thức mà chuyên ngành Văn hóa Việt Nam đã mang lại. Hiện nay, mình đã hoàn tất 4 năm học tại trường vì vậy mình không còn được lên giảng đường để gặp gỡ với thầy cô, bạn bè. Đó chính là điều tiếc nuối nhất của mình. Những kỷ niệm đẹp thời sinh viên sẽ luôn còn mãi trong trái tim của mình.
Được mệnh danh là thợ săn học bổng, bạn có thể chia sẻ bí quyết học tập cho các bạn sinh viên cũng như tân sinh viên của khoa Văn hóa học được không ạ ?
Bảo Ngân: Theo mình, bốn năm đại học là quãng thời gian mình trao dồi kiến thức, kỹ năng từ đó định hướng cho công việc sau khi tốt nghiệp. Mình có 1 vài lời chia sẻ đến các bạn sinh viên cũng như tân sinh viên về kinh nghiệm học tập đại học của bản thân.
1. Xác định phương hướng và mục tiêu của mình ngày từ đầu
Nhiều bạn sinh viên coi việc học đại học như một chuyến du lịch khám phá hay cũng có bạn sinh viên chỉ đến lớp để điểm danh, chỉ để tán gẫu với bạn bè. Điều này không chỉ làm bạn phí thời gian, kiến thức mà cả tiền bạc nên chúng ta cần phải hiểu rõ mình học để làm gì, học như thế nào, mục tiêu cho việc đó, chẳng hạn như đặt mục tiêu lấy học bổng nè.
2. Đi học đầy đủ
Bạn nên đi học đầy đủ nhất có thể, tuy điểm chuyên cần chỉ góp 10% số điểm nhưng nó sẽ giúp bạn ko bỏ lỡ các kiến thức quan trọng và những yêu cầu mà giảng viên giao cho. Tất nhiên sinh viên còn phải tham gia các hoạt động xã hội, làm thêm, học thêm.... nhưng hãy sắp xếp chúng một cách hợp lý và cân bằng nhé!
3. Nên ngồi bàn đầu hạn chế ngồi bàn cuối
Nếu ngồi bàn cuối có thể bạn sẽ không tập trung vì đa số các bạn chọn bàn cuối là để làm việc riêng. Ngồi cuối có thể bạn không nghe được giảng viên nói gì, thậm chí không thể nhìn được bảng hay slide thuyết trình,....
4. Tìm cho mình những người bạn cùng tiến
Học đại học không phải cái gì bạn cũng biết và bạn bè sẽ là người nói cho bạn những điều bạn chưa biết. Họ sẽ dẫn bạn tham gia sinh hoạt ở các câu lạc bộ, những chương trình sự kiện thú vị,....vô số nơi để bạn mở mang tầm mắt. Hay chỉ đơn giản là những cuộc tranh luận, trò chuyện về những vùng miền của đất nước cũng giúp bạn tăng thêm kiến thức về văn hóa,
5. Hãy mạnh dạn đặt câu hỏi và nêu lên quan điểm của mình
Nếu có cơ hội bạn hãy xung phong phát biểu và lên bảng làm bài để được những điểm cộng. Nó sẽ giúp bạn đỡ áp lực thi cử đấy!
6. Dành thời gian cho việc học tại nhà
Mỗi ngày nên dành 20-30 phút cho mỗi môn học, tuy không có kiểm tra bài cũ nhưng việc này sẽ giúp bạn tiếp thu kiến thức nhanh hơn. Và nên dành thời gian rảnh để đọc sách, bớt xem phim ngôn tình, phim ma, hay lướt facebook,....
7. Ôn luyện trước khi thi
Hãy tóm tắt các kiến thức đã học, dành thời gian ôn thi và bám sát yêu cầu của giảng viên. Điểm thi sẽ chiếm 60% số điểm học kỳ của bạn nên ôn cho kỹ để rinh học bổng.
8. Tích cực tham gia các hoạt động của khoa, trường
Hãy tích cực đăng ký tham gia các chuơng trình hoạt động do khoa hay trường tổ chức để có được những sân chơi lành mạnh bổ ích, đồng thời tăng thêm các kỹ năng và kiến thức cho bản thân giúp ích rất nhiều cho các công việc trong tương lai. Ngoài điểm học tập ra chúng ta còn có điểm rèn luyện để xét học bổng nên đừng bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào nhé.
Cảm ơn Bảo Ngân về cuộc trò chuyện thú vị này!
- BBT khoa VHH -