bởi quản trị viên | Date: 16-05-2018
TÓM TẮT
Trong hơn bốn mươi năm kể từ khi Nuzer lần đầu tiên xuất bản bài viết có tính tiên phong của ông về hiện tượng ‘nghỉ cuối tuần’ của du khách thành thị người Mexico tại một ngôi làng nông thôn cũng ở Mexico (1963), các nghiên cứu nhân học về du lịch từ góc độ cộng đồng đón khách đã chuyển từ cách tiếp cận xem cộng đồng chủ như là những người chịu tác động của du lịch và thụ động đón nhận những tác động của nó (Ayres 2002; Kadt 1976; Gangxu 1999; MacCannell 1989; Mowforth và Munt, 2003; Nash 1995; Smith 1977; Reid 2003); sang quan điểm có tính phản ánh về vai trò tích cực có tính chủ thể của cộng đồng chủ khi xem du lịch là những cơ hội về kinh tế và văn hóa (Causey 1999, 2003; Howe 2001; Picard 1996; Picard và Wood 199Yamashita 1997, 2003). Khái niệm chủ chốt mà những nhà nhân học gần đây nghiên cứu về du lịch đã vận dụng là xem xét cách thức người dân địa phương ‘phản hồi’ với du lịch ra sao thông qua việc sử dụng du lịch về phương diện bản sắc, tính chân thật, và kinh doanh. Nghiên cứu điền dã dân tộc học tại cộng đồng tín đồ của “Đạo Ông Nhà Lớn” tại đảo Long Sơn, Thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cho thấy du lịch còn được người dân địa phương xem như là một phương cách để thực hành tôn giáo, và sự tham gia trong các hoạt động du lịch đối với người dân mang khía cạnh nghi lễ và ý nghĩa tôn giáo nhiều hơn là phương diện lợi ích vật chất. Qua đó, bài viết muốn đề xuất rằng du lịch sẽ có thể được hiểu biết một cách đầy đủ hơn thông qua cách tiếp cận diễn dịch về ý nghĩa của sự tham gia của cộng đồng địa phương trong chính bối cảnh văn hóa của chính họ.
Từ chìa khoá: du lịch, tôn giáo, cộng đồng chủ, ý nghĩa
---------------
Bài đăng trên tạp chí Khoa học Xã hội (TPHCM), ISSN 1859-0136, tập 6 (166) – 2012, trang 58-69