NGHỆ THUẬT KIẾN TRÚC, TRANG TRÍ THÁNH ĐƯỜNG HỒI GIÁO (ISLAM) Ở TP.HCM

bởi quản trị viên | Date: 16-05-2018


 

NGHỆ THUẬT KIẾN TRÚC, TRANG TRÍ

THÁNH ĐƯỜNG HỒI GIÁO (ISLAM) Ở TP.HCM

                                                                                    Nguyễn Đệ

      

Từ lâu, kiến trúc nói chung đã là một đối tượng nghiên cứu của nhiều bộ môn khoa học và tuỳ vào yêu cầu, mục đích mà mỗi bộ môn tiến hành nghiên cứu ở những góc độ nhất định. Thành phố Hồ Chí Minh – thành phố trẻ, nhưng tập trung dày đặc những công trình kiến trúc với nhiều phong cách, trường phái gồm đủ cả Đông – Tây, kim – cổ. Do vậy, nghiên cứu kiến trúc ở Thành phố Hồ Chí Minh sẽ hứa hẹn nhiều điều lý thú và bổ ích. Trên cơ sở khảo sát thực tế hệ thống thánh đường Islam (Hồi giáo) hiện có trên địa bàn, bài viết này giới thiệu những nét cơ bản về nghệ thuật kiến trúc, trang trí thánh đường Hồi giáo – một trong nhiều phong cách kiến trúc, góp phần tạo nên vẻ đẹp chung cho “diện mạo” kiến trúc của Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong số 1.730.778 người có đạo ở Thành phố Hồ Chí Minh thì đạo Hồi có 4.537 tín đồ(1), tham gia sinh hoạt tại 14 thánh đường (Masjid) và tiểu thánh đường (Surao), nằm rải rác ở các quận nội thành – những khu vực cư trú lâu đời của những nhóm cư dân Hồi giáo. Một số thánh đường: Jamia Mosquee (66 Đông Du – quận 1), Jamiul Muslimines (459B Trần Hưng Đạo – quận 1),  Jamain Muslimin (641 Nguyễn Trãi – quận 5), Jamia Alsaadah (45/67 Bình Tiên – quận 6), Jamiuanwar (157B/9 Dương Bá Trạc – quận 8), Jamiul Muslimin (52 Nguyễn Văn Trỗi – quận Phú Nhuận), Niamatul Islamiyah (360 Cách mạng tháng Tám – quận 3), Hajatul Islam (317/75 Cách mạng tháng Tám – quận 10), Masjid Al Rahim (45 Nam Kỳ khởi nghĩa – quận 1); các tiểu thánh đường:  Noorul Islam (39 Trần Quang Diệu – quận 3), Khai Hy Yah (Tôn Thất Thuyết – quận 4), Mubarak (28/20 Dương Bá Trạc – quận 8), Noorul Islam (Nguyễn Huỳnh Đức – quận Phú Nhuận), Noorul Islam (Phan Văn Hân – quận Bình Thạnh).

Nhìn chung, hầu hết thánh đường và tiểu thánh đường Hồi giáo hiện có ở Thành phố Hồ Chí Minh có chung một phong cách kiến trúc, trang trí. Thông thường, một thánh đường gồm những hạng mục: cổng, sân, nhà nguyện (nhà thờ chính) và một số công trình phụ như phòng ăn, nhà kho, nhà vệ sinh, bể nước, bãi xe… Tất cả những hạng mục công trình này được bó gọn trong một không gian từ vừa phải đến chật hẹp. Cũng có nơi thánh đường là toà nhà hai tầng: tầng trệt là nơi tập trung những công trình phụ, còn tầng trên dùng làm nơi hành lễ.

Kiến trúc điển hình của một thánh đường Hồi giáo nói chung là một khoảng sân rộng lớn, thích hợp cho việc tụ tập đông người và cầu nguyện ngoài trời, nhưng phần nhiều thánh đường Hồi giáo ở Thành phố Hồ Chí Minh với đặc điểm “đất hẹp, người đông”, số lượng tín đồ không nhiều, nên không nhất thiết phải có một khoảng sân rộng, mà phổ biến chỉ là một khoảng không gian vừa phải đến chật hẹp. Thay vào đó, hầu hết thánh đường đều cố gắng tạo một hàng hiên (hàng ba) rộng rãi nhất có thể được trong cấu trúc chung của thánh đường. Phần nhiều thì hàng hiên nằm ở mặt tiền, nhưng cũng có cơ sở hàng hiên được tạo ở hai hoặc ba mặt (mặt trước và 1 hoặc cả 2 mặt hông) của nhà nguyện. Hàng hiên có nhiều chức năng: đảm bảo sự thoáng khí, mát mẻ; tín đồ đứng làm lễ nếu bên trong thiếu chỗ; nơi ngồi nghỉ, chuyện vãn của tín đồ giữa các lần lễ trong một cuộc lễ, nhất là vào tháng chay (tháng Ramadan) tín đồ Hồi giáo thường lấy đêm làm ngày hay trong những dịp lễ lớn. Mặt khác, với việc cấm phụ nữ vào bên trong nhà cầu nguyện của thánh đường thì hàng hiên còn là nơi hành lễ của nữ tín đồ nếu họ không có địa điểm cầu nguyện riêng.

Nhà nguyện, hạng mục công trình chính của thánh đường – phần kiến trúc nối liền với hàng ba là một không gian rộng mở, mát mẻ và sạch sẽ là yếu tố hàng đầu phải đảm bảo thường xuyên. Bởi đây chính là nơi tín đồ tập trung cầu nguyện mỗi ngày, đông đảo nhất là vào thánh lễ trưa ngày thứ sáu hay trong những dịp lễ. Gian nhà này có cấu trúc tiện cho việc tín đồ xếp hàng ngang (khi cầu nguyện tập thể, tín đồ xếp hàng ngang), nên có hình chữ nhật hay vuông. Sàn nhà thường được trải thảm, những tấm thảm có hoặc không có hoạ tiết, ngoài chức năng thẩm mỹ, còn có tác dụng “lót” cho đầu gối của tín đồ khi hành lễ ở tư thế quỳ – cúi lạy (trán phải chạm sàn). Điểm khác biệt so với các cơ sở tín ngưỡng tôn giáo khác là trong thánh đường không hề có bàn thờ, tượng, ảnh thờ. Điều này được lý giải bởi quan niệm, tín đồ Hồi giáo chỉ công nhận một đấng duy nhất một Allah (Thượng Đế). Đấng có quyền năng tối thượng mà không một vị nào khác có thể chia xẻ được quyền lực với Ngài. Tuy nhiên, Allah không có hình dáng cụ thể. Ngay cả Mohamed – người sáng lập Islam, theo truyền thuyết đã từng vượt bảy tầng trời gặp Allah để nhận những điều mặc khải cũng không thể nhìn thấy hình dáng cụ thể của Ngài. Nói cách khác, Allah vô hình, nhưng Ngài có mặt ở mọi nơi, mọi lúc. Do đó, con người – tín đồ Hồi giáo không thể tưởng tượng để sáng tác ra hình ảnh của Allah để rồi thờ cúng, bái lạy chính “sản phẩm” do mình tạo ra.

          Chính từ quan niệm đó mà nội thất thánh đường (nhà cầu nguyện) hoàn toàn trống trải, và đó chính là sự “trống trải đặc trưng” trong phong cách kiến trúc thánh đường Hồi giáo. Trong căn nhà trống trải ấy, có hai yếu tố gây sự chú ý:

 - Mihrab – một hốc lõm trên bức tường nằm về hướng Tây, thường được gọi là bức tường cầu nguyện (Qibla). Khi hành lễ, tín đồ đứng thành hàng ngang, mặt hướng về bức tường chứa hốc lõm, tức hướng Tây – hướng thánh địa Mecca (đối với Việt Nam, thánh địa Mecca được xác định ở về hướng Tây). Do vậy, một chi tiết có tính nguyên tắc trong kiến trúc thánh đường Hồi giáo là bức tường cầu nguyện phải nằm về phía Tây, trên đó có hốc lõm. Như vậy, trong một gian nhà trống trải, cái hốc lõm sẽ giúp tín đồ xác định phương hướng khi hành lễ. Mặt khác, sau khi Mohamed tạ thế, hốc lõm này còn tượng trưng cho sự hiện diện của Ngài và thông qua Ngài là sự hiện diện của Allah. Tín đồ hướng về hốc lõm hành lễ cũng có nghĩa là hướng về thánh địa.

- Minbar, một kiểu bục để diễn giả đứng hay ngồi nói chuyện trước đám đông, nằm chếch về bên trái, phía trước Mihrab. Cụ thể ở đây là vị Giáo cả (hay ông Tuôn…) giảng kinh, diễn thuyết trước tín đồ – đồng đạo. Minbar có thể chỉ là một bục gỗ bình thường (kiểu như bục giảng ở lớp học), nhưng cũng có thể được làm bằng gạch, xi-măng, dán gạch men, có tay vịn như chiếc ngai có nhiều bậc.

          Yếu tố góp phần tạo nên phong cách kiến trúc Hồi giáo còn có mái vòm và ngọn tháp. Đây là hai yếu tố quan trọng tạo nên một sắc diện rất riêng – sự mềm mại, thanh thoát về đường nét, sự thanh cao như thoát tục, nhưng không lạ lẫm của một thánh đường Hồi giáo khi quan sát từ bên ngoài.

Mái vòm – hình tượng rất phổ biến trong kiến trúc Hồi giáo. Qua hình tượng tròn úp trên mặt bằng hình vuông hay chữ nhật, gợi ta liên tưởng đến quan niệm “trời – đất” từ xa xưa của người phương Đông? Một chi tiết khá phổ biến là vòm trong kiến trúc Islam thường có đỉnh nhọn, với biểu tượng của tôn giáo: vành trăng khuyết và ngôi sao năm cánh đính trên đỉnh. Thánh đường ở Thành phố Hồ Chí Minh thường có một mái vòm lớn ở trung tâm với chóp nhô cao (hình củ hành). Ngoài mái vòm thì “đường nét vòm” còn được sử dụng rất phổ biến trong các hạng mục công trình của thánh đường. Vòm được thể hiện ở phần kết nối giữa hai cột của hàng cột định ranh giới giữa hàng hiên của thánh đường với khoảng không gian bên ngoài; khung cửa ra vào xây theo dạng vòm; phía dưới của phần kết nối hai trụ cổng thiết kế dạng vòm; hình dạng vòm còn được chạm chìm, đắp nổi – những họa tiết trang trí trên thân tháp, trên mái vòm, trên tường;… Kiểu dáng vòm cũng khá đa dạng, thường được thể hiện với các dạng: là một vòm, nhưng cạnh của nó lại được khoét thành nhiều vòn nhỏ liên tiếp nhau, hai nửa hợp lại tại đỉnh vòm tạo thành chóp nhọn; vòm cạnh trơn có chóp nhọn; vòm cạnh trơn không có chóp nhọn...

Phù hợp với qui mô, cấu trúc chung của ngôi nhà chính, những ngọn tháp của các thánh đường Hồi giáo ở Thành phố Hồ Chí Minh nhìn chung không lớn, thường có qui mô nhỏ và vừa, kiểu dáng thì khá đa dạng. Đây là chi tiết khá thú vị, có thể nghiên cứu thành một đề tài riêng để tìm thấy những tương đồng và khác biệt của những ngọn tháp trong phong cách kiến trúc – trang trí Hồi giáo ở Việt Nam với các nước, khu vực khác trên thế giới. Tuy nhiên, bước đầu có thể nhận thấy những ngọn tháp ở thánh đường Hồi giáo tại Thành phố Hồ Chí Minh chịu ảnh hưởng của kiến trúc Ấn Độ – kín, đồ sộ, vươn cao; Malaysia – thon nhỏ, không chuộng chiều cao, kín hay có khoảng trống được tạo bằng những song (như song cửa sổ) trên thân tháp, có khi trên đầu tháp đỡ lấy một vòm trên đỉnh. Hầu hết trên thân tháp có hoa văn trang trí bằng kỹ thuật đắp nổi, khắc chìm, dán gạch có hoa văn,… 

Vì tôn giáo nghiêm cấm việc sử dụng hình tượng người hay động vật, nên nghệ thuật trang trí thánh đường chỉ tập trung vào những họa tiết thực vật: hoa, lá, dây xoắn, dây leo; các hình hình học: tròn, vuông, đa giác, chữ nhật…; đường gợn sóng, hình ngôi sao, hình vòm… Đặc biệt, biểu tượng của Hồi giáo (vành tăng khuyết và ngôi sao năm cánh) cũng được sử dụng như một loại hoa văn trang trí với nhiều dạng khác nhau. Bên cạnh đó, còn phải nói đến một đặc trưng khác trong trang trí thánh đường là nghệ thuật thư pháp. Đây là sản phẩm của các nhà thư pháp Hồi giáo, thể hiện ở dạng chữ Ả Rập – có thể là một từ, một câu hay một đoạn (thường lấy trong kinh Qur’an) tạo thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Loại hình nghệ thuật này được tín đồ Hồi giáo nói chung, ở Thành phố Hồ Chí Minh rất ưa chuộng.

Trong số những công trình phụ, không thể không nói đến bể nước. Thường thì trước thánh đường, bên hông hay ở tầng trệt luôn có một bể nước hay hệ thống vòi nước (nước máy). Đây là nơi các tín đồ sẽ tiến hành tẩy rửa thân mình (thường gọi là “lấy nước lễ”) trước khi bước vào trong nhà cầu nguyện để hành lễ. Hồi giáo bắt buộc tín đồ phải “lấy nước lễ” trước khi làm lễ, tín đồ có thể thực hiện qui định này theo hai cách, tốt nhất là tắm và cách thứ hai là rửa. Do vậy, đây là một trong những công trình phụ, nhưng không thể thiếu ở một thánh đường Hồi giáo.

                                                *

                                      *                 *

Nhìn chung, nghệ thuật kiến trúc – trang trí thánh đường Hồi giáo ở Thành phố Hồ Chí minh không quá nhiều bộ phận, đường nét, cũng có thể nói là đơn giản. Tuy nhiên, cái đơn giản ấy gây ấn tượng mạnh mẽ. Thông thường chỉ có một gian nhà chính – nơi hành lễ của cộng đồng tín đồ, bộ phận quan trọng nhất; hoa văn trang trí không quá cầu kỳ, rối rắm, ít sử dụng màu sắc, nhưng khá nổi bật bởi độ tương phản hoặc hài hòa với màu nền. Sự kết hợp tinh tế giữa cái “đơn giản” của hai lĩnh vực kiến trúc và trang trí đã tạo nên vẻ đẹp trong dáng dấp vững chãi nhưng tao nhã, mềm mại như “thoát tục” của một nơi được xem là thiêng liêng nhất. Thánh đường là trung tâm tổ chức các hoạt động văn hóa – xã hội của cộng đồng tôn giáo. Chính vì vậy, thánh đường là công trình kiến trúc tập trung tài năng, sức sáng tạo của bộ phận cư dân Hồi giáo ở Thành phố Hồ Chí Minh./.

 

 


(1)  Ban Chỉ đạo tổng điều tra dân số và nhà ở Tp.HCM (2000), Dân số Thành phố Hồ Chí Minh, kết quả điều tra ngày 1/4/1999.

(Nguồn: Bài đã đăng trên Tạp chí Văn hóa và Nguồn lực, Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh

 

Từ khóa: