Sinh viên Văn hóa học 12 đón tết Chol Chnam Thmay của dân tộc Khmer tại chùa Chantarangsay TPHCM

bởi quản trị viên | Date: 18-04-2021

Tết là một dịp lễ đặc biệt trong năm mang ý nghĩa khởi đầu cho năm mới. Với người Khmer, họ đón mừng năm mới vào giữa tháng 4 và được tính theo lịch Khmer cổ truyền. Năm nay 3 ngày Tết chính diễn ra từ 14/4/2021 (ngày đầu tiên của Năm mới) đến 16/4/2021.

 


Chùa trong tâm thức của đồng bào Khmer rất linh thiêng và quan trọng, chùa chính là trung tâm sinh hoạt, là nơi bảo lưu và gìn giữ những giá trị văn hóa của dân tộc, là nơi để gắn kết tình cảm giữa các cá nhân trong cộng đồng người Khmer. Thế nên, việc đón mừng năm mới ở chùa là một nét văn hóa tiêu biểu của họ.

Với mong muốn tìm hiểu những giá trị văn hóa đặc sắc của người Khmer nên chúng tôi cùng hai giảng viên ThS. Nguyễn Thị Ngọc Ánh và ThS. Vũ Thị Kim Ngân đã có chuyến đi điền dã vào chiều 13/4/2021 – là ngày cuối năm chuẩn bị Tết Chol Chnam Thmay năm nay tại chùa Chantarangsay, Quận 3.

 
Hình 1,2: Sinh viên lớp VHH12 chụp lưu niệm cùng giảng viên ThS. Nguyễn Thị Ngọc Ánh (trái) và ThS. Vũ Thị Kim Ngân (phải) tại khu mô hình trang trí nhà người Khmer đón năm mới tại Chùa Chantarangsay

 
Hình 3, 4: Khu vực Lễ và trang trí đón Năm mới được dàn dựng và chuẩn bị công phu theo phong tục văn hóa của người Khmer truyền thống

Dưới sự tiếp đón và chỉ dẫn tận tình của các sư ở chùa nên chúng tôi có thêm khá nhiều thông tin hữu ích về các nghi lễ sẽ được tổ chức trong ba ngày đầu tiên của năm mới. Vào đầu năm mới, người Khmer chuẩn bị vật phẩm như, nhang, đèn, hoa quả mang đến chùa để làm lễ đón chào năm mới, làm lễ rước Đại lịch Maha Sangkran. Maha Sangkran (Chư Thiên) được hiểu như vị hành khiển trong ngày Tết năm mới. Cứ mỗi năm, đồng bào Khmer lại đón một vị Maha Sangkran cai quản và trông coi mọi việc của năm đó. Ngày thứ hai của lễ Chol Chnam Thmay là ngày Phật tử dâng cơm cho các sư vào buổi sáng và buổi trưa ở chùa. Buổi chiều, mọi người đến chùa làm lễ đắp núi cát để mong gặp nhiều điều may mắn, tốt lành trong năm mới và cầu mong có những cơn mưa cho mùa màng tốt tươi. Ngày thứ ba của lễ Chol Chnam Thmay sẽ diễn ra nghi lễ tắm tượng Phật. Nghi lễ tắm tượng Phật liên quan nhiều đến tâm thức ứng xử với nước của người Khmer, với ý nghĩa rửa sạch hết muộn phiền trong năm cũ để sang năm mới được thanh sạch, vui vẻ hơn. Nước thơm sau khi tắm Phật, đồng bào Khmer mang về nhà tắm cho người lớn tuổi để cầu chúc sức khỏe, bình an, mong một năm mới tất cả gặp nhiều may mắn, hạnh phúc.

Đặc biệt hơn là chúng tôi còn được cùng mọi người tham gia vào công tác chuẩn bị các lễ vật để cúng như rửa hoa quả, cắm hoa, đan lá thành hình cây quạt,… Các sư và người dân đến phụ rất thân thiện và cởi mở, chúng tôi vừa làm vừa trò chuyện rất vui và bổ ích. Trong quá trình cùng tham gia hoạt động, tiếng cười nói vui vẻ của mọi người hòa theo những bản nhạc bản địa, đã làm cho chúng tôi cảm thấy dường như không khí Tết lại đến thêm một lần nữa.

Bài viết: Ngô Kim Hoàn - Lớp VHH12

 

Từ khóa: